Các trường học cần chống rét cho học sinh theo phương châm “3 cần”

08:46 28-11-2019 | :1415

Laocaitv.vn - Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì khi nhiệt độ dưới 10 độ C, học sinh sẽ được nghỉ học. Tuy nhiên nếu áp dụng theo đúng quy định này, số ngày nghỉ của học sinh ở nhiều địa phương của tỉnh Lào Cai sẽ rất lớn, không bảo đảm đủ số tiết học trong năm. Chính vì vậy, để đảm bảo việc dạy và học được diễn ra bình thường, bắt đầu bước vào mùa đông, các nhà trường trên địa bàn đã chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp để giữ ấm cho học sinh, đảm bảo sức khỏe cho các em khi tới trường, đồng thời duy trì tốt tỷ lệ chuyên cần trong những ngày mưa rét.

 

Mưa phùn và sương mù là hình thái thời tiết thường gặp tại Sa Pa vào mùa đông.

Mưa phùn và sương mù là hình thái thời tiết thường gặp tại Sa Pa vào mùa đông, cũng chính vì vậy, mặc dù nhiệt độ chỉ trên dưới 10 độ C, nhưng cảm giác giá rét đã có thể nhận biết rõ rệt. Có mặt tại Trường Tiểu học thị trấn Sa Pa, chúng tôi ghi nhận tỷ lệ chuyên cần của trường vẫn đạt gần tuyệt đổi mặc dù trời mưa rét. Thầy giáo Dương Xuân Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Sa Pa cho biết: "Vì trời có mưa phùn, nên hầu hết học sinh không hoạt động ngoài trời. Thay vào đó, các thầy, cô giáo tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động trong lớp học, đảm bảo các em vẫn được vận động, đồng thời không bị ảnh hưởng về sức khỏe do trời lạnh. Mặc dù cơ sở vật chất trường lớp học của trường đã được đầu tư khá đầy đủ, đảm bảo ấm áp, kín gió, nhưng nhà trường vẫn chủ động thêm các phương án chống rét cho học sinh nếu nhiệt độ đột ngột xuống thấp".

Để giữ ấm cho học sinh khi đến trường, thời gian qua, các trường học trên địa bàn huyện Sa Pa đã tích cực phối hợp, tuyên truyền đến các bậc phụ huynh mặc ấm cho con em mình khi đến lớp. Đối với học sinh bán trú, việc đảm bảo đủ dinh dưỡng cho các em trong khẩu phần ăn cũng được các trường đặc biệt quan tâm. Cô giáo Ong Thị Hiên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Lê Văn Tám, thị trấn Sa Pa cho biết: "Chúng tôi xây dựng thực đơn, từ sở thích và nhu cầu thực tế của các em, vì ở đây chúng tôi ăn trưa theo xã hội hóa, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng, mỗi bữa có đủ 05 món: Cơm, 02 món xào, món canh, và tráng miệng. Chúng tôi cũng cho các em nghỉ tại trường, cơ sở vật chất chăn đệm cũng được chuẩn bị đầy đủ".

Để chuẩn bị cho mùa rét năm nay, Phòng GD&ĐT huyện Sa Pa đã đầu tư 500 triệu đồng từ nguồn chi thường xuyên để mua sắm đồ dùng chống rét cho học sinh bán trú như chăn bông, xốp trải nền, ga giường, đệm. Ngoài ra, đơn vị còn mua và cấp cho một số trường học đồ dùng bếp ăn giúp học sinh có cơm, canh nóng trong bữa ăn bán trú. Công tác chỉ đạo tới các trường về nội dung này cũng được triển khai sớm để đạt hiệu quả cao nhất. Ông Đỗ Văn Tân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sa Pa chia sẻ: "Chúng tôi đã yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND huyện về quy định cho học sinh nghỉ tránh rét căn cứ vào thực tế nhiệt độ tại địa bàn, quản lý học sinh tại khu vực bán trú để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe của các em".

 Các trường học cần thực hiện chống rét cho học sinh theo phương châm “3 cần”.

Huyện Sa Pa hiện có 59 trường học với gần 21.000 học sinh, trong đó có 4.267 học sinh bán trú. Để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho các em, các trường học đã thực hiện chống rét theo phương châm “3 cần”, đó là: Cần kín gió, cần ăn uống nóng và cần ngủ ấm. Mặt khác, tại các địa bàn khó khăn, các thầy cô cũng tích cực huy động các nguồn xã hội hóa để trang bị thêm quần áo ấm, mũ len, khăn quàng, giày ủng cho học sinh. Nhờ vậy, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng tỷ lệ chuyên cần của nhiều trường học những ngày qua vẫn được đảm bảo, các hoạt động dạy và học của thầy trò các nhà trường vẫn diễn ra bình thường./.

Thu Hường


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết