Đất nghèo gieo cây tiền tỷ

05:18 12-03-2019 | :1371

Laocaitv.vn - Năm 2018, với gần 50 ha cây dược liệu, người nông dân Si Ma Cai có thu nhập gần 4 tỷ đồng. Trong đó, tam thất là loại cây cho giá trị kinh tế cao nhất. Tuy nhiên, vì suất đầu tư để trồng cây dược liệu này rất lớn nên không phải hộ dân nào cũng có thể tham gia. Do vậy, năm 2019, bằng những cách làm cụ thể, ngành Nông nghiệp và các địa phương của huyện Si Ma Cai đã động viên người dân mạnh dạn hơn trong việc đầu tư mở rộng diện tích trồng loại cây dược liệu quý này.

Vườn ươm cây Tam thất của gia đình chị Vũ Thị Nhung, thôn Sảng Mản Thẩn, xã Mản Thẩn.

Năm 2019, Si Ma Cai triển khai trồng 11,6 ha cây tam thất tại 9/13 xã của huyện. Để động viên người dân mở rộng sản xuất, ngành Nông nghiệp huyện Si Ma Cai đã bố trí nguồn vốn hỗ trợ xây dựng các mô hình nông nghiệp từ Nghị quyết 22, mỗi xã 500 triệu đồng để trồng cây tam thất. Chính vì vậy, không ít hộ dân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mở vườn ươm giống cây tam thất. Việc làm này giúp chủ động được giống cây trồng và giảm suất đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vườn ươm của gia đình chị Vũ Thị Nhung, thôn Sảng Mản Thẩn, xã Mản Thẩn là ví dụ tiêu biểu. Với 0,3 ha đất ươm giống, gia đình chị có thể cung cấp cây giống cho 1 ha tam thất, phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Chị Vũ Thị Nhung, thôn Sảng Mản Thẩn, xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai cho biết: "Cách đây 2 - 3 năm nhà tôi có đầu tư một vườn ươm cây Tam thất, chúng tôi cũng gieo thử và thấy tỉ lệ sống và mọc mầm của cây khá tốt, cộng với địa hình thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với cây tam thất nên xuất phát từ đó hai vợ chồng tôi đã đầu tư vườn giống. Đặc biệt, việc tự ươm giống đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu tư sản xuất".

Tổ chức các cuộc họp để tham khảo kinh nghiệm trồng cây tam thất.

Không chỉ mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, nhân dân các địa phương của Si Ma Cai còn mong muốn sẽ xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Tại xã Mản Thẩn, địa phương triển khai trồng 2 ha cây tam thất trong năm 2019, nhóm hộ tham gia trồng tam thất đã bàn bạc với nhau, tổ chức đi tham quan, học tập tại một số cơ sở chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh để tìm ra hướng đi mới trong sản xuất cây dược liệu tại địa phương mình. Ông Giàng Seo Châu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang liên hệ với Công ty Traphaco để nhờ tư vấn cho việc chế biến các sản phẩm từ cây tam thất. Cùng với đó, xã đã đề xuất với Sở Công Thương tư vấn và giúp địa phương xây dựng thương hiệu cây tam thất".

Nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư vườn ươm cây giống.

Những lo lắng của người nông dân Si Ma Cai chính là đầu ra cho sản phẩm. Chính vì vậy, ngành Nông nghiệp huyện đang đẩy mạnh việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp thu mua, chế biến dược phẩm trong nước để đảm bảo đầu ra bền vững cho bà con nhân dân. Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Si Ma Cai cho biết: "Huyện cũng đang tích cực phối hợp với các công ty dược có tiếng trong nước để chuẩn bị các điều kiện và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, huyện sẽ quảng bá, giới thiệu, cam kết chất lượng đối với doanh nghiệp để ổn định giá trị cũng như năng suất sản lượng và đảm bảo thu nhập cho người dân".

Cây tam thất dần trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện Si Ma Cai.

Huyện Si Ma Cai tin tưởng việc đưa cây dược liệu, nhất là cây tam thất trở thành một trong các cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế ở Si Ma Cai, đặc biệt là việc quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm sẽ là hướng thoát nghèo bền vững cho người nông dân ở nơi vùng cao còn nhiều gian khó này.

Thu Hường - Minh Dũng

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết

Danh sách bình luận

Nguyễn Thu Phương 4 năm trước

ad có thể cho em xin số của chị Nhung được k ạ> Em muốn mua sản phẩm ạ