Giải bài toán trong sản xuất nông nghiệp

08:34 24-12-2018 | :493

Laocaitv.vn - Hiện nay, việc sản xuất rau an toàn tại huyện Sa Pa vẫn gặp phải những khó khăn nhất định. Từ sự liên kết từ người nông dân cho đến thương lái, siêu thị... rồi đến công tác thu hoạch, đóng gói, bảo quản, nhãn hiệu và vận chuyển đến việc tăng cường sự nhận biết sản phẩm rau an toàn đối với người tiêu dùng vẫn còn yếu kém. Khi mô hình tổ chức quản lý sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn tập trung, đồng bộ được triển khai đã cơ bản giải quyết được bài toán này.

Nỗi lo về đầu ra cho củ khoai tây đã được giải quyết khi doanh nghiệp cam kết thu mua 

Cây khoai tây vụ đông không xa lạ với nông dân các tỉnh miền Bắc, nhưng với người dân một số vùng cao Lào Cai thì vụ khoai tây 2018 – 2019 được xem là thay đổi toàn diện. Được thụ hưởng nguồn hỗ trợ từ chương trình MTQG xây dựng NTM, người dân vùng cao Tả Phìn, huyện Sa Pa đã được hướng dẫn để trồng khoai tây theo tiêu chuẩn Viet Gap. Nỗi lo về đầu ra cho cả trăm tấn khoai tây đã được giải quyết khi doanh nghiệp cam kết thu mua toàn bộ lượng củ cho nông dân. Điều này đã tạo nên thay đổi căn bản trong tư duy làm kinh tế của nông dân khi bắt buộc phải sản xuất theo đơn đặt hàng.

Trồng khoai tây vụ đông là một trong nhiều loại rau củ mà người dân Tả Phìn được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hướng dẫn trong khuôn khổ mô hình chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm rau ôn đới đảm bảo an toàn thực phẩm tại xã Tả Phìn. Đơn vị thực hiện dự án đã khảo sát lựa chọn địa điểm triển khai, lựa chọn hộ tham gia. Tổ chức hội nghị thành lập tổ, nhóm sản xuất và thống nhất kế hoạch liên kết sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao với các hộ sản xuất tham gia mô hình. Hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động, xây dựng nội quy giám sát, đôn đốc kiểm tra theo dõi việc ghi chép sổ sách, việc áp dụng quy trình sản xuất của các thành viên. Phân tích các chỉ tiêu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với mẫu đất, nước trồng rau thuộc mô hình. Công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, tuyên truyền quản bá sản phẩm cũng được thực hiện. Khi triển khai mô hình là từ tháng 7 năm 2018 đến cuối tháng 11 năm 2018, hàng trăm hộ dân đã được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản một số loại rau đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap.

Người dân đã được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản các loại rau theo tiêu chuẩn VietGap

Tham gia mô hình, 120 hộ dân được hướng dẫn canh tác trên quy mô 10 ha. Việc tổ chức sản xuất theo chuỗi sẽ giúp quản lý được chất lượng nông sản ngay từ khâu sản xuất, đến sơ chế và tiêu thụ sản phẩm, hình thành và tăng cường mối liên kết bền vững giữa nông dân tổ chức sản xuất, doanh nghiệp thu mua tiêu thụ sản phẩm và cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước. Nếu như những năm trước, khi kết thúc việc thu hoạch lúa mùa, nông dân thường bỏ hoang đất ruộng, nhưng khi được tập huấn về trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap, nhiều hộ đã thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp.

Việc mô hình chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm rau ôn đới đảm bảo an toàn thực phẩm tại xã Tả Phìn được triển khai thành công sẽ giúp cho địa phương này đồng thời thực hiện được nhiều nội dung trong xây dựng NTM. Đó là nâng cao thu nhập, hình thành HTX với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững. Trên cơ sở thành công của mô hình, HTX tiếp tục mở rộng quy mô, liên kết với nhiều hộ dân, chuyển đổi diện tích trồng lúa cho thu nhập thấp sang trồng rau theo tiêu chuẩn an toàn và bán cho doanh nghiệp tiêu thụ. Đây là điều kiện để nông dân Tả Phìn thoát nghèo bền vững, cải thiện đời sống, xây dựng NTM bền vững.

Nông Quý - Ngọc Hà


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết