Giữ nét xuân cổ truyền

08:47 08-01-2024 | :187

Laocaitv.vn - Cuối năm, các làng nghề đang hối hả vào vụ tết. Tại các thôn bản, bà con người dân tộc thiểu số cũng tất bật sản xuất phục vụ thị trường. Trong mỗi đặc sản, mỗi sản phẩm truyền thống, ngoài giá trị hàng hóa, còn ẩn chứa những giá trị về văn hóa, góp phần cho ngày xuân thêm đậm đà bản sắc.

Biết nấu rượu thóc từ khi chưa về nhà chồng, bà Lò Mùi Diện nắm vững kĩ thuật để làm ra những giọt rượu thơm nồng nhất. Lúa trồng trên nương sau khi thu hoạch về được luộc chín, để nguội, giã men lá rồi trộn theo liều lượng; sau đó đem ủ khoảng 20 đến 30 ngày hoặc lâu hơn. Thời gian ủ càng dài thì rượu càng thơm và đậm.

 Những giọt rượu thơm nồng của nhà bà Lò Mùi Diện.

Bà Lò Mùi Diện, Thôn San Lùng, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát chia sẻ: “Nấu rượu cũng khó, không phải ai cũng làm được. Mình phải dạy cho các con cháu biết mà giữ gìn. Trước kia thì ngày tết mới nấu để uống, giờ các con bán thì rượu nấu quanh năm”.

Ông Vi Văn Hò bắt đầu làm nghề làm chõ xôi từ năm 2007. Trong những năm qua, vài nghìn chiếc chõ đồ xôi độc đáo đã được cung cấp ra thị trường. Chõ được làm hoàn toàn thủ công, qua nhiều khâu đục đẽo, đánh giấy ráp, cộng thêm những bí quyết nhà nghề để có được sản phẩm đẹp, bền. Nghề làm chõ xôi vừa giúp gia đình ông có thêm thu nhập, vừa góp phần gìn giữ nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của dân tộc Giáy địa phương.

Ông Vi Văn Hò tỉ mẩn làm từng công đoạn để hoàn thành một chiếc chõ.

Toàn tỉnh hiện có 47 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, gồm 3 nhóm chính: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may… Trong đó có 3 làng nghề có sản phẩm OCOP là Làng nghề nấu rượu, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà; Làng nghề nấu rượu, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa và Làng nghề chế biến miến dong, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát. Những ngày này, các làng nghề cũng tấp nập hơn, nhiều gia đình đang hối hả chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ thị trường tết. 

Ông Trịnh Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai chia sẻ: “Địa phương khuyến khích bà con sản xuất vì đây là lao động tại chỗ, không đòi hỏi nhiều về đầu tư, thuận lợi với nguồn nguyên liệu tự có tại địa phương”.

Sản phẩm truyền thống được sản xuất, chế biến thủ công, sản lượng không lớn, nhưng vẫn có chỗ đứng trên thị trường, giúp nhiều người làm nghề có thu nhập. Vừa động viên bà con phát triển nghề truyền thống, cấp ủy chính quyền các địa phương cũng nỗ lực bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết