Khi luật đi vào cuộc sống

08:11 14-01-2020 | :793

Laocaitv.vn - Gần 02 tuần kể từ ngày Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt chính thức có hiệu lực, người dân đã ý thức hơn khi ra đường. Những chế tài xử phạt nghiêm khắc đã tác động mạnh đến nhận thức và điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông. 

  Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 đã đi vào cuộc sống với chế tài đủ mạnh.

Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019 có hiệu lực thi hành kể từ ngày đầu tiên của năm mới 2020. Nếu theo dõi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội những ngày qua có thể khẳng định hiếm có Bộ Luật, Nghị định nào lại đi vào cuộc sống mà tạo ra hiệu ứng mạnh và tức thời như vậy. Câu chuyện về các trường hợp bị xử lý vi phạm khi uống rượu, bia được lan nhanh, từ chốn văn phòng, đến các quán trà đá vỉa hè. Anh Đặng Lê Hoàng, trú tại phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai chia sẻ: "Chúng em cũng rất quan tâm tới nghị định này, vì bản thân em phải đi lại rất nhiều, với mức phạt cao như thế thì chắc sẽ phải chấp hành nghiêm chỉnh. Nếu có nhu cầu sử dụng rượu, bia thì em sẽ đi xe taxi".

Mức phạt tăng nặng gấp nhiều lần, phạt ngay từ ngụm bia, rượu đầu tiên, phạt cả người uống rượu, bia đi xe đạp… Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng cấm hành vi “xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia”..., khiến cho nhiều người bất ngờ. Tuy nhiên, đa phần là các ý kiến đồng tình với những điều khoản này. Trên thực tế, sau hơn một tuần áp dụng Luật và Nghị định 100, đến nay ý thức của đại đa số người dân trên địa bàn thành phố Lào Cai đã có những chuyển biến rõ rệt, lực lượng chức năng không phát hiện trường hợp nào điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn. Anh Trần Quang Thuận, người dân phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai cho ý kiến: "Tôi rất đồng tình ủng hộ với những mức quy định xử phạt này, và tôi thấy mọi người cũng chấp hành nghiêm túc. Có lẽ là vì nó đánh trực tiếp vào kinh tế nên tác động rất nhanh".

Khi luật mới có hiệu lực, vẫn còn không ít người băn khoăn, hàng loạt ý kiến được dẫn ra, ví như sẽ xử lý ra sao nếu ăn trái cây, uống sirô, thuốc ho cũng tạo nồng độ cồn?. Nhiều người dân mong muốn những băn khoăn của mình sẽ được giải đáp thỏa đáng. Anh Nguyễn Sỹ Bắc là một tài xế chạy taxi trên địa bàn thành phố Lào Cai chia sẻ: "Người dân thì không biết là sử dụng trái cây như thế nào thì sẽ bị lên men hay gây ra cồn, với lại nếu sử dụng bia, rượu từ hôm trước nhưng hôm sau vẫn bị phạt thì rất là khó".

 Lực lượng chức năng của TP Lào Cai không phát hiện trường hợp nào vi phạm quy định về nồng độ cồn.  

Liên quan đến băn khoăn của người dân, ngày 09/01/2020, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết, đối với việc sử dụng hoa quả hoặc uống sirô, cục đã tổ chức hơn 150 lần lấy mẫu xét nghiệm và đều cho ra kết quả là không làm tăng nồng độ cồn. Đại diện Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, chỉ khoảng 5 phút sau khi sử dụng hoa quả hay siro sẽ không còn nồng độ cồn trong hơi thở. Như vậy, người dân có thể yên tâm khi sử dụng các loại trái cây hoặc uống sirô mà không sợ bị xử lý vi phạm về nồng độ cồn.

Không ít người khẳng định, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 với những điều khoản quy định chặt chẽ, nghiêm minh cho thấy tiếng nói và nguyện vọng đòi hỏi chính đáng của đại đa số người dân đã được tôn trọng và ghi nhận. Có thể Luật, Nghị định trên sẽ có những quy định cần chỉnh sửa cho phù hợp hơn với thực tiễn. Nhưng phải nói với độ bao quát, đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng, với chế tài đủ mạnh, tin tưởng rằng đây sẽ là một dấu mốc quan trọng của luật pháp. Trực tiếp tạo thay đổi lớn nhận thức và hành vi của cả xã hội về bia, rượu, nâng cao nhận thức của đại bộ phận người dân về việc đã uống rượu, bia thì không lái xe, góp phần giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chủ yếu là từ bia, rượu gây ra./

Thu Hường


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết