Khó khăn trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm

15:31 20-10-2019 | :1762

Laocaitv.vn - Lào Cai có nhiều làng nghề truyền thống và mặt hàng nông sản, đặc sản, nếu khai thác, phát huy tốt sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Dựa trên lợi thế đó, chương trình mỗi xã một sản phẩm đang được các xã triển khai đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tuy nhiên, với một số địa phương, việc triển khai chương trình gặp không ít khó khăn. 

Gia đình ông Bắc là một trong những hộ tiên phong đưa cây mía về trồng tại Văn Sơn.

Gia đình ông Vũ Xuân Bắc là một trong những hộ tiên phong đưa cây mía về trồng tại địa phương, tới nay, gia đình ông Bắc đã mở rộng diện tích trồng mía ra 2 ha. Cây mía tím sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt là phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên mía ngọt, mềm, ít sâu bệnh, được thị trường ưa chuộng. Đến thời điểm này, ông Bắc đã hoàn toàn tin tưởng vào hiệu quả kinh tế của cây mía tím, vận động bà con nhân dân cùng tham gia sản xuất. Là cây trồng lâu năm tại Văn Sơn, nhưng phải đến bây giờ, cây mía tím mới thực sự phát huy được giá trị kinh tế của nó. Hiện tại, toàn xã đã có trên 17 ha mía tím được trồng tập trung. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng thị trường, trên địa bàn xã cũng đã hình thành được hợp tác xã sản xuất cây mía tím với 07 thành viên tham gia. Các thành viên sẽ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, đặc biệt là cùng tìm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Chính từ tiềm năng của cây mía tím, và sự hăng hái của bà con nhân dân khi tham gia trồng loại cây trồng này, xã Văn Sơn quyết định lựa chọn mía tím là sản phẩm OCOP tại địa phương. Tuy nhiên, theo khảo sát, đánh giá của ngành chức năng thì đây là sản phẩm đặc hữu nhưng chưa thể phát triển, nâng lên thành sản phẩm OCOP vì chưa đáp ứng được những yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, còn chuyển đổi sang lựa chọn sản phẩm khác cũng không phải là việc dễ dàng với địa phương này. Ông Trần Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Văn Sơn, huyện Văn Bàn chia sẻ: "Văn Sơn là xã đi xây dựng vùng kinh tế mới, ngành nghề truyền thống còn ít, các sản phẩm đặc thù cũng chưa có nhiều nên việc lựa chọn sản phẩm OCOP rất khó khăn. Chúng tôi đề xuất cây mía tím nhưng vẫn chưa hoàn tất được các thủ tục để công nhận. Chính vì vậy, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây mía tím, nâng cao chất lượng để được công nhận sản phẩm này".

Có sản phẩm OCOP cũng là 01 tiêu chí để hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao, nên xã Văn Sơn quyết tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp. Và chính nhờ quyết tâm này, sự tích cực của bà con nhân dân sẽ được huy động, góp phần mở rộng sản xuất và nâng cao thu nhập.

Cây mía chưa trờ thành sản phẩm OCOP vì chưa đáp ứng được những yêu cầu về quy mô, tính độc đáo...

Từ thực tế xây dựng sản phẩm OCOP tại xã Văn Sơn cho thấy, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa và tích cực tham gia chương trình. Chính quyền các địa phương cần xác định việc xây dựng sản phẩm OCOP là một lộ trình lâu dài, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng; cần bám sát các chính sách đã được ban hành, nhất là nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng của tỉnh để lựa chọn sản phẩm phù hợp./.

Thu Hường – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết