Làm sao để phát triển bền vững sau khi kết thúc các dự án giảm nghèo?

09:53 17-01-2019 | :632

Laocaitv.vn - Những năm qua, nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ các dự án hỗ trợ giảm nghèo đã bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển và góp phần tích cực trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo tại tỉnh Lào Cai. Tại nhiều địa phương, những dự án hỗ trợ giảm nghèo đã thu được những kết quả khả quan, góp phần cải thiện cuộc sống người dân. Tuy nhiên, làm thế nào để những dự án này đạt được hiệu quả bền vững là một bài toán đặt ra với chính quyền và các ban, ngành địa phương.

Vài năm về trước, khi Dự án "Nâng cao vai trò làm chủ kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số qua các can thiệp thị trường tại Lào Cai” do Hội Liên hiệp Phụ nữ và Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức, dưới sự hỗ trợ nguồn vốn phát triển sinh kế của Tổ chức Oxfam. Dự án được triển khai tại xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương, đã có 8 nhóm hộ với trên 200 hộ dân tham gia nuôi lợn đen bản địa. Các hộ dân được hỗ trợ giống, hướng dẫn kĩ thuật, và hỗ trợ cả đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi dự án kết thúc, mặc dù nhiều hộ dân vẫn tiếp tục duy trì mô hình kinh tế này, nhưng đã bắt đầu có những khó khăn nhất định khi họ không còn nhận được sự hỗ trợ như trước. Chị Sỏng Thị Sanh, thôn Sín Lùng Chải A, xã Lùng Khấu Nhin cho biết: "Dự án triển khai đã giúp mình rất nhiều về con giống, cám cho lợn. Giờ hết dự án rồi không được hỗ trợ nữa, bây giờ cám cũng hết rồi, lợn cũng không mua được nữa."

Khi triển khai dự án đã có trên 200 hộ dân tham gia nuôi lợn đen bản địa tại xã Lùng Khấu Nhin

 

Có thể thấy, sau những dự án hỗ trợ giảm nghèo đã có những chuyển biến nhất định trong ý thức của đồng bào dân tộc thiểu số về nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, do vẫn còn thiếu sự mạnh dạn và chủ động, linh hoạt nên một bộ phận người dân sau tham gia dự án chưa phát huy được hết những kết quả của dự án đã được triển khai. Đây cũng là trăn trở của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể trong việc giải bài toán giảm nghèo. Anh Chảo Láo Lủ, Bí thứ Đảng ủy xã Thanh Kim chia sẻ: Để mà nhân rộng mô hình và dự án thì việc đầu tiên phải là công tác tuyên truyền và vận động tích cực, khi thực hiện dự án sẽ lấy một vài hộ tham gia dự án làm điển hình, khi thấy được hiệu quả bà con sẽ tự chủ động làm theo, lúc đó cấp ủy chính quyền xã chỉ phải hướng dân kỹ thuật thôi. Trong xã sẽ có những hộ khá giả hơn thì người ta sẽ tự chủ động bỏ vốn ra đầu tư thực hiện.  

Bên cạnh những hiệu quả kinh tế mang lại, thì thành công của những dự án giảm nghèo này còn nằm ở sức lan tỏa của nó, như dự án nuôi bò hàng hóa tại xã Thanh Kim, huyện Sa Pa được triển khai từ năm 2016 đến nay, ngoài những hộ được hỗ trợ mua bò giống, nhiều hộ dân không được hỗ trợ cũng mạnh dạn vay tiền để tự đầu tư theo hướng phát triển kinh tế mới này. Anh Giàng A Vàng, thôn Lếch Mông, xã Thanh Kim, huyện Sa Pa cho biết: Từ năm 2014, 2015 cả thôn chỉ có trên 20 con trâu, bò, nhưng hiện nay đã tăng trên 200 con trâu, bò. Đầu năm 2018, Nhà nước hỗ trợ 23 hộ với mức 70% còn lại thì người dân tự vay để mua bò chăn nuôi.

 

Gia đình anh Sùng A Sỉ, thôn Lếch Mông, xã Thanh Kim được dự án hỗ trợ vốn, anh tự tìm mua giống tốt về chăn nuôi

"Trao cho người dân chiếc cần câu, chứ không phải trao con cá", đó chính là cách mà những dự án hỗ trợ đang thực hiện. Trong thời gian tới, chính quyền và các ban ngành, cần tích cực hơn nữa trong vận động tuyên truyền người dân chủ động phát triển kinh tế gia đình sau khi dự án kết thúc. Hiệu quả bền vững của những dự án giảm nghèo đạt được chỉ khi mà người dân có ý thức tự vươn lên thoát nghèo, nhờ vào những kiến thức và lợi ích mà các dự án hỗ trợ mang lại.

 Thu Hường – Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết