Mô hình hợp tác xã - hướng đi đúng đắn trong phát triển nông nghiệp

19:42 23-01-2019 | :780

Laocaitv.vn - Cùng hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, cùng đề xuất những hướng để thoát nghèo, làm giàu, chung tay xây dựng nông thôn mới là mục tiêu chung của nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trên thực tế, sự phát triển đúng hướng của hợp tác xã và các tổ hợp tác, nhất là việc chú trọng phát triển các dịch vụ một cách hiệu quả đã tạo động lực để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đáng kể đời sống người dân, đóng góp vào thành công cho công tác giảm nghèo tại các địa phương.

Được thành lập gần 2 năm nay, Hợp tác xã Lập Thành, thuộc xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn đã thu hút được 18 thành viên tham gia. Hoạt động dựa trên phương châm huy động sức mạnh của tập thể, các thành viên đều là các đoàn viên thanh niên đã nỗ lực để xây dựng hợp tác xã ngày càng phát triển. Kể từ khi hợp tác xã Lập Thành được thành lập, những khó khăn về nguồn vốn, về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đã được giải quyết đáng kể.

Mô hình hình trồng nấm sạch của Hợp tác xã nông nghiệp Bình Phú, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn.

Từ các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, 7 thành viên của hợp tác xã đã chung vốn 200 triệu đồng để khởi nghiệp bằng hình thức hợp tác xã. Nhiều khó khăn trong sản xuất đã dần được giải quyết, mô hình trồng nấm không ngừng được mở rộng. Từ chỗ trồng thử nghiệm, đến nay, Hợp tác xã Bình Phú đã có nguồn thu nhập ổn định từ 6.000 bịch nấm, mỗi ngày trừ chi phí còn lãi khoảng 1 triệu đồng. Những thành công bước đầu khiến cho các thành viên trong hợp tác xã hết sức phấn khởi. Anh Đặng Văn Bình, Giám đốc hợp tác xã nông, lâm nghiệp và dịch vụ Bình Phú, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn chia sẻ: "Trước đây các loại phế phẩm đều bỏ đi rất là lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi đã vận động bà con tận dụng giữ lại nguồn nguyên liệu đó để tận dụng bán cho hợp tác xã thu gom về sản xuất nấm. Hợp tác xã phát triển sẽ thu tạo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động tại chỗ".

Hiện nay việc phát triển mô hình hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng có sự đóng góp không nhỏ của các hội viên phụ nữ. Nhiều mô hình hợp tác xã tại địa phương do phụ nữ quản lý đã và đang hoạt động hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho xã viên, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội. Xã Lùng Vai, huyện Mường Khương nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề nấu rượu bằng men lá ở thôn Na Lang. Vài năm trở lại đây, sản phẩm rượu men lá đã được khôi phục và phát triển, nhất là khi  Hợp tác xã rượu men lá Na Lang được thành lập. Đây là mô hình do Hội Phụ nữ xã Lùng Vai sáng lập và quản lý. Tham gia hợp tác xã, gần 50 hộ hội viên phụ nữ đã có được nguồn thu nhập ổn định để cải thiện đời sống gia đình. Đặc biệt, thời gian gần đây, ngoài việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã còn mở thêm hướng đi mới bằng việc tận dụng rượu cuối kết hợp với hoa dâm bụt để chế biến thành sản phẩm giấm hồng độc đáo, nhằm tăng nguồn thu cho xã viên. Hướng đi này được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Bà Vàng Thị Lan, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương chia sẻ: "Khi chưa có hợp tác xã, các hộ gia đình chỉ lưu giữ lại để cải thiện tại gia đình. Bây giờ có hợp tác xã thu mua thì vừa có thu nhập, vừa lưu giữ được sản phẩm giấm hồng của dân tộc Giáy ở địa phương".

Tận dụng rượu cuối kết hợp với hoa dâm bụt để chế biến thành sản phẩm giấm hồng độc đáo

Sự tham gia thành lập và phát triển các hợp tác xã của người dân, từ thanh niên, phụ nữ, nông dân như vừa đề cập ở trên là minh chứng cho thấy, các hợp tác xã đã phát huy được hiệu quả nhất định. Các mô hình đi vào hoạt động đã gỡ khó cho sản xuất, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân, nhất là trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sản xuất. Thành lập hợp tác xã cũng là 1 tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới và các địa phương cũng nỗ lực tháo gỡ khó khăn, để tránh tình trạng việc thành lập hợp tác xã chỉ mang tính hình thức, kém hiệu quả. Ông Nguyễn Đình Vui, Bí thư Đảng ủy xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn khẳng định: "Chúng tôi đã tạo điều kiện, từng bước tháo gỡ những khó khăn cho bà con. Tuy nhiên chúng tôi cũng mong muốn tỉnh Lào Cai có nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã vay vốn để phát triển".

Như tại xã Tân An, địa phương mới về đích trong chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2018, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hướng nghiệp đã trở thành điểm sáng về mô hình hợp tác xã kiểu mới, làm ăn có hiệu quả cao. Là hợp tác xã kiểu mới được thành lập từ năm 2015, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp hướng nghiệp hiện đã phát triển lên 11 hộ thành viên với tổng vốn điều lệ trên 3 tỷ đồng. Một trong những hoạt động nổi bật của hợp tác xã hướng nghiệp chính là trồng và chiết xuất tinh dầu sả, một hướng phát triển kinh tế rất mới trên địa bàn. Thay thế cho các diện tích đất trồng sắn bạc màu kém hiệu quả trước kia là 24 ha sả JaVa xanh tốt đang cho thu hoạch. Hệ thống máy móc chiết xuất tinh đầu được đầu tư lắp đặt, đầu ra sản phẩm tinh dầu sả ổn định. Chính vì vậy, thu nhập của các thành viên hợp tác xã được đảm bảo, có điều kiện để xóa đói giảm nghèo.

Có thể khẳng định, việc triển khai hiệu quả các mô hình hợp tác xã đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác vận động, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Với sự quyết tâm của các thành viên, sự quan tâm tháo gỡ khó khăn của các ban ngành, cấp ủy chính quyền địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp đã có những bước đi vững chắc giúp người nông dân có việc làm, thu nhập ổn định, đóng góp vào xây dựng nông thôn mới.

Thu Hường - Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết