Nâng cao hiệu quả quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm

09:19 15-08-2024 | :28

Laocaitv.vn - Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch... có xu hướng ngày càng gia tăng. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người bệnh và là gánh nặng về kinh tế. Do vậy, ngành Y tế Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm ngay từ cơ sở.

Mắc bệnh tiểu đường nhiều năm nay, hàng tháng bà Mẩy phải xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát để làm xét nghiệm, lấy thuốc uống theo định kỳ. Năm 2023, Phòng khám Đa khoa khu vực xã Trịnh Tường được tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân tiểu đường, bà Mẩy đã được chuyển hồ sơ về quản lý, điều trị bệnh ngoại trú tại địa phương (ảnh dưới).

Bà Chảo Sử Mẩy, Thôn Ná Đo, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát chia sẻ: “Về đây điều trị thuận lợi hơn nhiều, các bác sĩ cũng nhắc lịch đi tái khám, lấy thuốc. Không phải xuống bệnh viện huyện nên đỡ tốn kém và mất thời gian hơn”.

Phòng khám Đa khoa khu vực xã Trịnh Tường đang quản lý, điều trị ngoại trú cho gần 80 bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường. Trong đó, có 49 bệnh nhân mắc cả hai bệnh. Để phát hiện sớm, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ, hoạt động khám sàng lọc định kỳ; tư vấn, hướng dẫn người bệnh tái khám, uống thuốc theo định kỳ luôn được các bác sĩ quan tâm thực hiện.

Phòng khám Đa khoa khu vực xã Trịnh Tường đang quản lý, điều trị ngoại trú cho gần 80 bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường.

Bác sĩ Đặng Văn Long, Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát nói: “Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 28.000 bệnh nhân tăng huyết áp; gần 8.600 bệnh nhân đái tháo đường. Hiện, 100% Trạm y tế thực hiện quản lý các bệnh không lây nhiễm, trong đó tất cả các trạm triển khai điều trị tăng huyết và 58/134 trạm triển khai điều trị đái tháo đường. Qua đó, giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, hạn chế biến chứng nguy hiểm thường gặp, nâng cao chất lượng sống cho người dân”.

Bác sĩ Bùi Đức Thành, Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Khi Trạm y tế làm tốt công tác quản lý điều trị đái tháo đường, thì sẽ giúp ích cho người dân rất nhiều. Người dân được khám điều trị gần nhà duy trì tốt việc khám sức khỏe định kỳ, qua đó thì cũng giảm được gánh nặng bệnh tật cho địa phương”.

Ngành Y tế cũng đang phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến, phát triển thêm kỹ thuật, dịch vụ toàn diện, chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị bệnh cao huyết áp, tiểu đường; chủ động kiểm soát để khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.

Vân Anh – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết