Sát cánh cùng nông dân trong phát triển sản xuất

09:56 14-11-2019 | :794

Laocaitv.vn - Thực hiện vai trò là cầu nối quan trọng trong chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã tích cực phối hợp với tổ chức, đoàn thể, chính quyền các cấp triển khai nhiều mô hình sản xuất cây, con giống mới. Qua đó, giúp nông dân trong tỉnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, dần thay đổi các biện pháp canh tác cũ, góp phần tăng năng suất, sản lượng hàng hóa nông sản tại địa phương.

Nông dân xã Bản Xen được hướng dẫn sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn Vietgap. (Ảnh: An Hồng)

Từ các nguồn vốn của trung ương và của tỉnh, công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã được trung tâm triển khai thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Đào tạo, tập huấn; xây dựng mô hình trình diễn; hội nghị đầu bờ; chuyển giao công nghệ; khuyến khích sáng kiến cải tiến kỹ thuật; khảo nghiệm và xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm… Qua đó, giúp nông dân nâng cao tư duy, nhận thức và trình độ sản xuất. Trong năm 2019, trung tâm đã triển khai thực hiện 24 mô hình, dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, phân bổ đều ở cả 03 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành thủy sản và nâng cao vị thế phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các mô hình nông, lâm nghiệp. Điển hình như: Mô hình trình diễn các giống lúa thuần vụ xuân 2019 tại huyện Bảo Yên và thành phố Lào Cai; mô hình trình diễn các giống lúa thuần vụ mùa sớm tại xã Tả Van, huyện Sa Pa; mô hình ứng dụng VietGap cơ bản trên cây rau tại huyện Bát Xát; nuôi cá tầm trong lồng bè theo hướng VietGap gắn với du lịch sinh thái… Qua đánh giá của ngành chức năng, nhìn chung các mô hình, dự án khuyến nông triển khai đảm bảo tiến độ, mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân. Mô hình sản xuất chè an toàn tại xã Bản Xen, huyện Mường Khương là một ví dụ. Để giúp các hộ trồng chè ở địa phương này nắm được các kỹ thuật thâm canh sản xuất chè an toàn, tiến tới nâng cao giá trị các đồi chè, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, trung tâm đã phân công 03 cán bộ chỉ đạo kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn để tư vấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ sâu bệnh và thu hái bảo quản chè búp tươi; giúp bà con thành lập 03 tổ, nhóm liên kết nông dân cùng sở thích sản xuất chè an toàn với quy chế, nội dung sinh hoạt cụ thể hàng tháng. Ông Lê Văn Mần, nông dân xã Bản Xen, một trong những hộ được hưởng lợi từ mô hình chia sẻ: "Trước kia chưa tham gia mô hình thì chè ở đây đạt năng suất 12 tấn/ha/năm. Sau khi tham gia năm đầu tiên, từ 2017 thì năng suất chè tăng lên 14 tấn/ha/năm, đến thời điểm hiện tại thì đạt từ 18 đến 20 tấn/ha/năm, như vậy tổng sản lượng và năng suất chè ngày càng tăng".  

Đào tạo nghề theo phương pháp "cầm tay chỉ việc" cho nông dân xã Cốc Ly - Bắc Hà. (Ảnh: An Hồng)

Song song với việc triển khai các mô hình, dự án, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã tổ chức 07 lớp đào tạo nghề cấp chứng chỉ và 12 lớp tập huấn ngắn ngày chuyển giao kỹ thuật cho hàng nghìn học viên là nông dân tại một số xã, huyện trên địa bàn tỉnh. Các lớp đào tạo nghề được cơ quan chuyên môn đổi mới cả về nội dung và phương thức truyền đạt theo hướng giảm thời gian lý thuyết, tăng thời gian thực hành; hướng dẫn theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” để bà con dễ hiểu, dễ tiếp thu và áp dụng và thực tế sản xuất. Ông Ninh Quý Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết: "Chúng tôi luôn gắn việc đào tạo nghề vào các mô hình, dự án. Tôi thấy đây là cách làm hết sức hiệu quả vì người dân được tham gia mô hình và được trực tiếp tiếp thu kỹ thuật từ đào tạo nghề để phát triển".

Tuy đạt được nhiều kết quả nổi bật, song đơn vị chuyên môn cũng thẳng thắn nhìn nhận: Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua các mô hình, dự án sản xuất nông, lâm nghiệp và các lớp đào tạo nghề của khuyến nông thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Nguyên nhân một phần do sự phối kết hợp giữa các đơn vị, chính quyền các xã, các ngành chức năng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; nguồn lực đầu tư cho chương trình khuyến nông còn hạn chế. Phần nữa do trình độ nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số không đồng đều, dẫn đến việc tiếp nhận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Hỗ trợ người dân xã Xuân Quang xây dựng thương hiệu Mật ong núi đá. (Ảnh: An Hồng)

Những tồn tại, hạn chế này sẽ được Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh phối hợp với các ngành, các địa phương tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Giúp nông dân Lào Cai nâng cao năng suất, sản lượng vật nuôi và cây trồng, dần hình thành nhiều thêm các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho bà con, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn mà tỉnh Lào Cai đặt ra./.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết