Trồng dứa trên đất dốc mang lại thu nhập cao cho nông dân

21:57 13-03-2019 | :2915

Laocaitv.vn - Những năm trở lại đây, Cốc Mỳ được biết đến là xã có diện tích trồng dứa nhiều nhất huyện Bát Xát. Do hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, cây dứa đã được địa phương xác định là cây ăn trái chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc, thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả nhằm mang lại thu nhập cao cho người dân.

Từ diện tích đất trồng sắn, trồng ngô kém hiệu quả, những năm gần đây, người dân đã dần chuyển đổi sang trồng dứa. Cây dứa đang dần khẳng định chỗ đứng và trở thành loại cây trồng chủ lực trên địa bàn xã Cốc Mỳ, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Hiện nay, toàn xã có khoảng 38,5ha dứa, trong đó trên 25ha đã cho thu hoạch với năng xuất đạt 30 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở thôn Bản Trang.

Cây dứa đang trở thành cây trồng chủ lực của người dân xã Cốc Mỳ. 

Anh Lý Mạnh Cường, thôn Bản Trang trồng 1 vạn gốc dứa trên đất đồi của gia đình. Giống dứa mà anh Cường và các gia đình khác đang trồng là dứa nhóm Queen (dứa hoàng hậu), có năng suất vượt trội, khối lượng trung bình từ 500 - 900gram, thịt quả màu vàng đậm, thơm đặc trưng, vị ngọt, cho giá trị dinh dưỡng cao. Anh Cường cho biết: “Dứa là loại cây rất dễ trồng, ưa cạn, không kén đất, cũng không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cầu kỳ, phức tạp; chỉ cần trồng khoảng cách hợp lý, làm cỏ, bón phân đúng thời kỳ là cây sinh trưởng phát triển tốt, sau khi trồng từ 14-18 tháng cây sẽ cho thu hoạch”. Với giá bán tại vườn giao động từ 2.500 - 3.000đồng/kg, tuy thấp hơn mọi năm, nhưng vụ dứa năm nay gia đình anh Cường cũng thu được khoảng 20-25 triệu đồng.

Hiệu quả kinh tế cây dứa mang lại trong những năm qua là khá rõ nét, đã giúp một số hộ dân trên địa bàn xã nâng cao thu nhập. Trong thời gian tới, xã Cốc Mỳ sẽ phối hợp với các ngành chức năng, tăng cường hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng, chăm sóc, chú trọng lựa chọn và sử dụng giống tốt; áp dụng đồng bộ các quy trình thâm canh theo khoa học để tăng năng suất, chất lượng dứa; liên kết với các doanh nghiệp quy hoạch vùng trồng dứa có quy mô, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, tạo hướng đi bền vững cho cây dứa.

Từ hiệu quả kinh tế cây dứa mang lại, có thể thấy việc phát triển mô hình trồng dứa trên đất đồi, dốc đã mở ra một hướng sản xuất bền vững ở xã Cốc Mỳ. Người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh và làm giàu ngay trên chính quê hương mình, từ đó nâng cao đời sống, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Quang Phấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết