Ứng dụng công nghệ cao - xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp

18:08 15-02-2019 | :1004

Laocaitv.vn - Là địa phương có ngành chăn nuôi phát triển mạnh, chiếm tới gần 50% tổng giá trị chăn nuôi của toàn tỉnh, trong vài năm trở lại đây, việc ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực chăn nuôi đang được nhiều hợp tác xã và các hộ gia đình ở huyện Bảo Thắng áp dụng và mang lại hiệu quả rõ rệt.

HTX chăn nuôi Quý hiền

HTX chăn nuôi Quý Hiền được xem là cơ sở chăn nuôi công nghệ cao lớn nhất tỉnh Lào Cai tính đến thời điểm hiện tại. HTX này được thành lập cách đây gần 10 năm, nhưng khi chưa chuyển đổi hình thức hoạt động theo Luật HTX năm 2012 thì công tác quản lý, điều hành chưa phát huy hiệu quả. Từ khi chuyển đổi mô hình và chỉ tập trung vào một loại hình chăn nuôi theo chuỗi khép kín thì hiệu quả hoạt động của HTX đã thực sự có bước đột phá. Với gần 600 con lợn nái giống, hiện mỗi năm HTX Quý Hiền cung cấp cho thị trường trên 10 nghìn lợn giống, toàn bộ hệ thống trang trại của các thành viên HTX đều có hệ thống xử lý chất thải, có đường xuất bán lợn riêng và khu vực chăn nuôi cách xa khu dân cư. Lợn thương phẩm được cung ứng cho chuỗi các nhà hành, khách sạn, trường học trong toàn tỉnh theo đơn đặt hàng. Vì vậy tại mọi thời điểm, giá lợn hơi của HTX luôn giữ được sự ổn định. Yếu tố làm nên thành công của mô hình chăn nuôi công nghệ cao này chính là khâu tổ chức quản lý, điều hành của HTX. Ông Lê Mạnh Quý, HTX chăn nuôi Quý Hiền, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng cho biết: "Công nghệ của chúng tôi hiện nay đang áp dụng là tiên tiến nhất nước, những người được chúng tôi tuyển dụng là những người làm việc có trách nhiệm và có trình độ trong ngành chăn nuôi. làm nghề này là phải có sự đam mê, luôn luôn có sự phát triển đi lên và chúng tôi chưa bao giờ có ý định dừng lại".

HTX Xuân Tiến phát triển chuỗi gà Dabaco, gà ri lai và gà nòi chân vàng, nuôi theo hình thức bán công nghiệp

Cũng là chăn nuôi công nghệ cao nhưng HTX chăn nuôi gia súc gia cầm Xuân Tiến tại xã Xuân Quang của huyện Bảo Thắng lại tập trung cho phát triển các trang trại vệ tinh, lấy hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn làm nòng cốt. HTX hiện tập trung cho phát triển chuỗi gà Dabaco, gà ri lai và gà nòi chân vàng, nuôi theo hình thức bán công nghiệp. Tham gia HTX, các hộ dân được cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng và những điều kiện khác để phát triển sản xuất hàng hóa, nhưng ngược lại sẽ phải đáp ứng được yêu cầu về chuống nuôi và có khu vực chăn thả đủ rộng, đồng thời áp dụng đúng quy trình chăm sóc và cho ăn theo chế độ dinh dưỡng mà HTX đưa ra cho từng lứa gà, từng giai đoạn sinh trưởng của gà, khi có sản phẩm, các hộ chăn nuôi sẽ được HTX hỗ trợ trong khâu tiêu thụ. Chính bởi cách làm linh hoạt này nên mặc dù HTX đứng chân trên địa bàn xã Xuân Quang nhưng có tới cả trăm hộ thành viên từ các xã khác tham gia. Nuôi gà thả vườn khi áp dụng đúng quy trình chăm sóc sẽ giúp cho chất lượng thịt cao hơn, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Dự kiến trong năm 2019 này, HTX sẽ hướng đến chăn nuôi gà hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm gà thương phẩm có chất lượng cao nhất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường khách hành cao cấp. Trước mặt, việc chăn nuôi hữu cơ sẽ được thực hiện tại trại nuôi chính của HTX, sau đó sẽ nhân rộng ra các hộ thành viên. 

Theo thống kê của Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng thì đến hết năm 2018, toàn huyện đã cấp giấy chứng nhận trang trại cho gần 350 cơ sở đảm bảo các tiêu chí trang trại theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó một trong những tiêu chí cơ bản là trang trại phải có quy mô sản xuất đạt doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên mỗi năm. Việc triển khai chương trình phát triển chăn nuôi công nghệ cao trên địa bàn huyện đang thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo và hiệu quả.

Gia đình ông Khiêm nuôi bò theo cách làm chuồng nuôi nhốt, làm sân chơi và thực hiện thu gon chất thải đúng quy trình

Cũng vẫn là nuôi bò vàng nhưng gia đình ông Lương Văn Khiêm, thôn Tân Thượng, xã Trì Quang đã học theo cách nuôi bò của nông dân tỉnh Lâm Đồng, ông làm chuồng nuôi nhốt, làm sân chơi và thực hiện thu gom chất thải đúng quy trình. Chiếc máy thái cỏ của gia đình ông cũng hoàn toàn khác so với những chiếc máy thái cỏ thông thường mà người dân Lào Cai thường sử dụng. Ngoài tác dụng thái thì nó còn giúp làm mềm phần thân và gốc của cây cỏ VA06, nhờ vậy, toàn bộ thân lá đều được tận dụng tối đa để làm thức ăn cho bò. Áp dụng công nghệ cao, khu chăn nuôi chỉ rộng khoảng 300 m2 nhưng có thể nuôi đến hàng trăm con bò, chuồng nuôi được chia ô để nuôi nhốt bò theo độ tuổi. Ông Lương Văn Khiêm, Thôn Tân Thượng, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng cho biết: "Gia đình tôi chuyển đổi kinh tế để phù hợp với điều kiện sống, nuôi bò sinh sản sau này sẽ thành phẩm luôn, sau khi đủ sinh sản rồi thì đưa ra thị trường. Làm nghề phải thực sự tâm huyết với những công sức mình bỏ ra thì mới cho kết quả tốt".

Chiếc máy thái cỏ của gia đình ông Khiêm

Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện công tác quy hoạch, quản lý vùng chăn nuôi và tích cực hỗ trợ người dân trong việc đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào chăn nuôi, huyện Bảo Thắng còn chủ động thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển kinh tế trang trại quy mô lớn, thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện địa phương có 3 cơ sở sản xuất giống lợn lai, lợn ngoại, với quy mô từ 200 đến 500 con lợn nái, hằng năm cung ứng khoảng 24.000 con lợn giống cùng nhiều trang trại nuôi lợn thịt quy mô hàng nghìn con. Với việc mở rộng hệ thống các trang trại, hàng năm, Bảo Thắng cung ứng khoảng 23 nghìn tấn lợn hơi và khoảng 5.200 tấn gia cầm ra thị trường, thu về khoảng 1.300 tỷ đồng. Phát triển chăn nuôi vốn là thế mạnh của địa phương này, nay lại áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nên càng tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ông Trần Minh Sáng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng cho biết: Sản xuất chăn nuôi công nghệ cao ở huyện Bảo Thắng phát triển mạnh vì Bảo Thắng có lợi thế về trình độ canh tác và khát khao làm giàu của bà con nông dân, chính vì thế trong năm vừa qua huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân chuyển dịch dần từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp chất lượng cao và đã thu được những kết quả rất tốt. 

Sau gần 10 năm thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, Bảo Thắng là địa phương đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng, trọng tâm là chuyển từ phát triển số lượng sang nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển mạnh từ trồng trọt sang phát triển chăn nuôi, từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất và có nhiều mô hình sản xuất lớn hiệu quả. Trong năm 2019, Bảo Thắng sẽ tập trung triển khai những giải pháp mang tính đột phá như: Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, tăng cường hợp tác giữa người nông dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX, các trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trương. Những kết quả đạt được trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Bảo Thắng thời gian qua cũng đã tạo ra lực đẩy quan trọng để địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hướng tới trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh vào năm 2020.

Ngọc Hà - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết