Yếu tố nào nâng cao chất lượng giáo dục?

06:24 11-06-2019 | :1900

Laocaitv.vn -  Đào tạo song song giữa lý thuyết và thực hành là một trong những phương pháp dạy học tích cực, là yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục của các nhà trường. Đây cũng là giải pháp mà Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai đang triển khai, nhằm nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên đáp ứng các yêu cầu chuyên môn trong thực tế. Cũng từ đó, các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong giảng dạy và thực tiễn được đơn vị đẩy mạnh.

Tại Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai thực hành luôn được đưa lên hàng đầu

Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai, những luống dưa tươi tốt là thành quả đạt được nhờ ứng dụng công nghệ cao của thầy và trò ngành khoa học cây trồng. Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giảng viên trong khoa, các sinh viên đã thuần thục tất cả các khâu trồng và chăm sóc cây theo hướng công nghệ cao, vận dụng tốt những kiến thức lý thuyết được học vào thực tế cuộc sống. Tiến sĩ Lê Thị Minh Thảo, Phó Khoa Nông Lâm, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai chia sẻ: "Đối với trường chúng tôi thì việc thực hành luôn được đưa lên hàng đầu, các môn thực tập nghề nghiệp như ứng dụng công nghệ cao đã có các thầy cô trực tiếp hướng dẫn cho các em ở tất cả các khâu đến khi nào các em thuần thục mới thôi, các em được thực hiện luôn cùng các thầy cô, cùng vào tận các địa phương để trực tiếp thực hiện sản xuất mô hình".

Với sinh viên ngành khoa học cây trồng, ngoài học lý thuyết trên giảng đường gắn với thực hành tại chỗ, nhà trường còn bố trí cho các em tham gia nghiên cứu khoa học, cùng bà con nông dân trồng khảo nghiệm những cây trồng mới. Chính từ đó, các em có nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn về con đường nghề nghiệp đã lựa chọn, xác định rõ việc nghiên cứu khoa học, từ đó sẽ có được chuyên môn sâu, nghiệp vụ vững, thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm. Bạn Đặng Văn Sơn, sinh viên lớp Khoa học cây trồng K1, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai cho biết: "Lúc đầu mới vào học em cũng chỉ nghĩ sẽ vào đây học những kiến thức cơ bản, rồi lại về làm nông giống như bố mẹ mình. Nhưng khi vào trường em được học rất nhiều những kiến thức về nông nghiệp, đặc biệt là được thực hành thực tế ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bắt đầu từ khi trồng cây đến khi thu hoạch, chứ không làm theo cách truyền thống ngày xưa nữa. Em rất tự tin với những kiến thức mình được học".

Các em sinh viên sẽ được tham gia vào các đề tài khoa học triển khai thực tế tại các xã

Để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, các giảng viên trong trường trực tiếp tham gia nhiều đề tài nghiên cứu có ý nghĩa và hiệu quả thực tế tại địa phương, tiêu biểu như Đề tài "Nghiên cứu xây dựng một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao rau, hoa có giá trị kinh tế tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai”, Đề tài "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống và trồng một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao theo tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới"… Thạc sĩ Đào Thị Tần, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao KHCN, phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai cho biết: "Các đề tài mà chúng tôi đang triển khai tại huyện Bát Xát cũng dựa trên kế thừa kết quả mà chúng tôi thử nghiệm ở các xã, từ thành công của các mô hình thử nghiệm chúng tôi đề xuất đề tài để nghiên cứu một cách bài bản, từ quy trình kĩ thuật nhân giống, trồng trọt, sơ chế biến để phát triển vùng nguyên liệu ổn định. Chúng tôi cũng đã khảo nghiệm các mô hình của phân hiệu trước rồi để làm đề tài cấp tỉnh và hoàn thiện theo quy trình của tỉnh".

Sự quyết tâm, nhiệt tình tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giảng viên đã tiếp thêm sự tự tin, năng động cho những thế hệ sinh viên, đây chính là tín hiệu vui, là kết quả của việc gắn đào tạo với thực tiễn mà phân hiệu đại học Thái Nguyên tại Lào Cai đang chú trọng thực hiện. Thông qua hoạt động này, nhà trường kì vọng sẽ đào tạo ra đội ngũ người lao động có chất lượng, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của Lào Cai và khu vực.

Thu Hường – Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết