"Cây 2 ngàn lá" nơi biên giới bình yên

07:24 11-01-2021 | :1457

Laocaitv.vn - Cộng đồng người Pa Dí có dân số chỉ chừng 2.000 người, cư trú rải rác ở một số tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Mấy trăm năm trước, cộng đồng này đã đến Mường Khương khai hoang, lập làng, lập bản. Hiện, cộng đồng dân tộc này vẫn lưu giữ những nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo.

Người dân tham gia trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc.

Theo các tài liệu dân tộc học thì Pa Dí là một nhóm ngành địa phương của dân tộc Tày, còn được biết đến với các tên gọi khác là người Tày đen hay Phù táng, Phù tay.

 Cây đàn tròn, thứ nhạc cụ được xem là linh hồn của dân ca người Pa Dí.

Đàn tròn của người Pa Dí gần giống với cây đàn tính của người Tày, nhưng bề mặt to hơn, cán ngắn hơn và có 4 dây thay vì có 2 dây như tính tẩu.

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn - Niềm tự hào của người Pa Dí.

Dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu về văn hóa của dân tộc mình, nhà thơ Pờ Sảo Mìn cho rằng: Dân vũ của người Pa Dí rất nghèo nàn, nhưng bù lại, dân ca lại vô cùng phong phú, trở thành niềm say mê trong đời sống cộng đồng.

"Văn hóa của người Pa Dí có rất nhiều nét độc đáo. Đặc biệt, những khúc ca về lao động, tình yêu về sản xuất luôn gắn liền với chiếc đàn tròn. Cũng chính từ tiếng đàn tròn và tiếng hát đã là cầu nối để nhiều đôi nam nữ Pa Dí tìm hiểu nhau", nhà thơ Pờ Sảo Mìn, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương chia sẻ.

"Tết con trẻ" là dịp để con cháu xa gần trở về thăm hỏi sức khỏe ông bà, cha mẹ.

Tết tháng 6 được tổ chức vào ngày 23 âm lịch, còn được gọi là "Tết con trẻ" là dịp lễ trọng của người Pa Dí, vì đây là dịp con cháu tìm về, chúc phúc cho ông bà, cha mẹ. Để chuẩn bị cho ngày tết, mỗi nhà thường mổ một con lợn và làm nhiều món ăn truyền thống. Nhưng điều đặc biệt là cỗ cúng tết tháng 6 của người Pa Dí tuyệt đối không có rau, vì đây là dịp đồng bào kiêng mang cây cỏ vào nhà, ngụ ý không ngắt đi sự sinh sôi, phát triển.

Những ngày lễ tết cũng là dịp để người phụ nữ Pa Dí khoe bộ trang phục vô cùng cầu kỳ và độc đáo của dân tộc mình. Trong đó, riêng chiếc mũ gắn liền với cả một truyền thuyết.

"Tết tháng 6 vui lắm, con cháu đều mặc đẹp về nhà. Tôi vẫn nhắc các cháu, trang phục của phụ nữ Pa Dí đẹp nhất ở cái mũ, phải biết cách đội cho phù hợp, tất cả tôi đều phải dạy thì thế hệ trẻ trong nhà mới biết được", bà Phu Sử Dìn, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương chia sẻ.

Lễ cúng rừng của người Pa Dí với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Còn có vô vàn câu chuyện thú vị và bí ẩn xung quanh đời sống văn hóa tinh thần của tộc người Pa Dí. Nhờ sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, sự tương trợ, giúp đỡ của các dân tộc khác và sự cần mẫn, nỗ lực lao động sản xuất của chính mình, người Pa Dí đang có cuộc sống ngày càng ấm no hơn nơi vùng cao biên giới Mường Khương.

Trường Giang – Huy Trường – Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết