Hình thành và phát triển văn hóa đọc cho thanh niên hiện nay

10:13 19-04-2018 | :3143

Laocaitv.vn - Văn hoá đọc là một khái niệm có hai nghĩa, nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, văn hóa đọc là cách ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các nhà quản lý, các cơ quan quản lý Nhà nước, của cộng đồng và của mỗi cá nhân trong xã hội. Theo nghĩa hẹp, văn hóa đọc là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân để hình thành thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc của cá nhân đó. Khi cá nhân có ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc đúng đắn sẽ hình thành thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc lành mạnh, hiệu quả.

Trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, văn hóa đọc không những giữ phương thức đọc truyền thống (sách, báo in) mà còn chuyển sang phương thức đọc hiện đại trên các thiết bị điện tử như máy tính, internet, điện thoại... đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của độc giả. Tuy nhiên, việc đọc sách chủ yếu tập trung vào các nhóm độc giả là học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu, cán bộ, công chức làm việc trong môi trường có liên quan đến sách vở, tri thức, còn nhóm độc giả là người làm tự do ít có cơ hội đọc sách. Thực trạng lười đọc, ngại đọc, ít đọc và đọc theo phong trào, theo tâm lý đám đông là khá phổ biến, trong đó có thanh niên; Họ đọc để giải quyết sự tò mò, giải trí hơn là đọc để trau dồi tri thức. Trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, khoa học kỹ thuật khiến người đọc có ít thời gian dành cho việc đọc sách. Quỹ thời gian eo hẹp cùng với sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí nghe - nhìn đã làm thay đổi thói quen đọc sách của nhiều người. Ngày nay, một bộ phận thanh niên có xu hướng ỷ lại và thụ động trong việc khai thác và tiếp nhận thông tin, thích đọc nhanh, đọc ngắn, đọc lướt, đọc sách mỏng, còn thể loại phóng sự và chính luận ít được quan tâm và lựa chọn. Khi đọc họ có xu hướng đọc trên mạng internet, điện thoại di động còn việc đọc trên sách, báo in ngày càng giảm. Văn hóa đọc mới chỉ dừng lại chủ yếu là tra cứu tài liệu, đọc sách theo thị hiếu đám đông còn thói quen đọc, sở thích và kỹ năng đọc như thế nào chưa được bạn đọc quan tâm và rèn luyện.

Sách là những tác phẩm trí tuệ của con người được tổng kết, đúc rút qua thời gian và sự phát triển của nhân loại. Việc lười đọc, ít đọc sách sẽ dẫn đến sự thiếu hụt tri thức đối với tầng lớp học sinh, sinh viên. Việc dành thời gian quá ít cho việc đọc đã khiến họ không có chiều sâu tri thức, lười vận động, thiếu năng lực nghiên cứu tìm tòi, đây là một hiểm họa cản trở sự phát triển của xã hội tri thức. Lười đọc, lười nghiên cứu dẫn tới một số cán bộ, công chức mất dần sự sáng tạo, không dám đổi mới, năng lực chuyên môn, khả năng lý luận hạn chế không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Học sinh đọc sách báo trong giờ ra chơi tại một trường học thuộc huyện Bắc Hà. (Ảnh minh họa)

Việc hình thành và phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ quan trọng, rất cần sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, là trách nhiệm của nhà trường, gia đình, cá nhân để góp phần xây dựng xã hội học tập và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới của đất nước. Do vậy, trước hết cần phải hình thành và phát triển thói quen đọc suốt đời cho mỗi người. Xây dựng thói quen đọc phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, phải có định hướng, hướng dẫn từ gia đình, nhà trường. Xây dựng thói quen đọc, sở thích và kỹ năng đọc như một môn học quan trọng được áp dụng ở các cấp học. Thầy giáo, cô giáo là người định hướng, chọn lựa các tác phẩm hay, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và sở thích của học sinh; Hướng dẫn và rèn luyện kỹ năng đọc cho học sinh thông qua các hình thức như thuyết trình, hội thi kể chuyện, kịch chuyển thể… Trong gia đình, cần sự quan tâm, hướng dẫn của bố mẹ, hình thành ở con trẻ thói quen đọc sách lành mạnh và các kỹ năng cần thiết để lựa chọn sách phù hợp; Đồng thời, ông bà, bố mẹ phải làm gương cho con cháu về việc đọc, nghiên cứu tại gia đình.

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác để có nhiều cây bút “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc”; Đổi mới nội dung và hình thức sáng tác, xuất bản để tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, hình thức đẹp thu hút độc giả. Lắng nghe ý kiến trao đổi và tâm tư, nguyện vọng của bạn đọc để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị hiếu của công chúng khi tiếp nhận các tác phẩm.

Thứ ba, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ hiện đại cho hệ thống thư viện và hỗ trợ xây dựng thói quen đọc tại thư viện, siêu thị sách. Xây dựng thư viện trở thành hệ thống thông tin mở, thư viện vừa là nơi lưu giữ thông tin đồng thời cũng là nơi giới thiệu các cuốn sách hay, những thông tin hữu ích và thú vị đến với công chúng, góp phần định hướng bạn đọc. Củng cố và phát triển các điểm bưu điện văn hóa xã; Phát triển loại hình chuyển phát nhanh mang sách đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần xây dựng thị hiếu đọc lành mạnh cho công chúng.

Thứ tư, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm sách có chất lượng cao ở trong và ngoài nước đến với bạn đọc; Đồng thời có giải pháp để định hướng thu hút bạn đọc. Nhà xuất bản tổ chức giới thiệu, quảng bá sách dưới nhiều hình thức: ngày hội sách, thi sáng tác, tổ chức các giải thưởng nghệ thuật… Nhằm cổ vũ cho phong trào đọc sách tạo không khí văn hoá đọc lành mạnh và bổ ích cho mọi đối tượng trong đó có giới trẻ.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ tổ chức, cá nhân tài trợ cho các hoạt động phát triển văn hoá đọc như in sách phổ cập, trao giải thưởng sách hàng năm, thi đọc sách, cung cấp sách cho các trẻ em nghèo, trẻ em ở vùng sâu vùng xa, tổ chức Ngày sách Việt Nam (21/4 hàng năm), nhằm phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Đoàn Ngọc Tuyến


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết