Laocaitv.vn - Khèn không chỉ là biểu trưng văn hóa dân tộc của người Mông mà còn là phương tiện kết nối cộng đồng, giao lưu văn hóa. Nhằm tôn vinh và lan tỏa giá trị của khèn Mông, tối 07/12 tại sân khấu đêm - Chợ Văn hóa Bắc Hà, UBND huyện Bắc Hà đã tổ chức Hội thi trình diễn nghệ thuật khèn Mông lần thứ 3. Hội thi nằm trong chuỗi các hoạt động của Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà "Nghiêng say mùa Đông" năm 2024.
Tại hội thi, các nghệ nhân đã trình diễn múa đơn, múa đôi, múa tập thể gắn với câu chuyện và giai điệu khèn truyền thống của người Mông. Với đàn ông người Mông, biết thổi khèn, múa khèn là một niềm tự hào. Họ được nổi trội hơn vào những ngày hội, rồi các cuộc vui họ đều được mọi người trong cộng đồng tôn trọng và ngưỡng mộ.
Chị Giàng Thị Chứ, xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai chia sẻ: “Những chàng trai múa khèn rất giỏi, họ thể hiện là một người đàn ông của người dân tộc Mông rất có bản lĩnh, với nhảy khèn thì rất là quyến rũ và thu hút phái đẹp”.
Với đàn ông người Mông, biết thổi khèn, múa khèn là niềm tự hào.
Tiếng khèn là phần hồn của người Mông, giữ tiếng khèn là giữ bản sắc của dân tộc. Chính vì lẽ đó, cây khèn, tiếng khèn được đồng bào gìn giữ, trao truyền như một báu vật và phát huy giá trị thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch.
Em Vù Seo Sèng, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà chia sẻ: “Ngay từ lớp 5 em đã theo bố học khèn và bây giờ, em sẽ cố gắng hơn để múa khèn tốt hơn, theo được các cụ, để giữ được bản sắc dân tộc của mình và nét văn hóa của người Mông”.
“Với cá nhân em, khèn có giá trị tinh thần, giống như linh hồn của người Mông. Hiện nay, khèn Mông đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Việt Nam, em rất mong được truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ”, anh Sùng Minh Thành đến từ Huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang cho hay.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cây khèn Mông.
Hội thi được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cây khèn Mông; phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong huyện Bắc Hà và du khách thập phương. Thông qua hoạt động này có thể thấy, dù là trong thời đại nào, khèn vẫn luôn được người Mông gìn giữ, trao truyền. Bản hòa ca giữa giai điệu tiếng khèn và âm hưởng núi rừng chính là biểu trưng văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát huy.
Lệ Quyên – Đình Hiếu – Vàng Tráng – Trung Hiếu
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết