Mạch ngầm văn hóa của vùng đất "cây 2 ngàn lá"

13:59 20-02-2021 | :928

Laocaitv.vn - "Dân tôi chỉ có hai ngàn người - Như cái cây hai ngàn chiếc lá - Ai nuôi ai cái rễ cái cây - Ai yêu ai trong tình yêu thầm lặng - Cái tình yêu bé nhỏ trong cây - Rễ nuôi lá, lá nuôi cây cùng lớn”, những lời thơ hào sảng ấy cất lên từ trái tim thấm đẫm tình yêu dân tộc của một người con dân tộc Pa Dí - Nhà thơ Pờ Sảo Mìn, người được ví như con chim họa mi của vùng đất biên cương Mường Khương bốn mùa ngút ngàn sương gió.

Trong những dịp lễ tết, tiếng đàn tròn của người Pa Dí lại dặt dìu vang lên, gọi mọi người cùng tụ họp bên nhau.

Người Pa Dí rất yêu văn nghệ, mà đặc biệt là yêu thanh âm của cây đàn tròn. May mắn được thừa hưởng lại cây đàn tròn của cha ông, ở vùng đất Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, nghệ nhân Tráng Vảng Mìn là một trong số rất ít người chơi thành thạo đàn tròn với ngón đàn điêu luyện. Tiếng đàn của ông đã trở nên quen thuộc với bà con hàng xóm chính lúc nào cũng không hay.

"Bây giờ tuổi trẻ lâu lâu mới được tập văn hóa, văn nghệ, vì vậy cây đàn tròn cũng không được dùng tới thường xuyên", nghệ nhân Tráng Vảng Mìn, thôn Tả Chư Phùng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương chia sẻ.

Với trăn trở ấy, trong những dịp lễ tết, tiếng đàn tròn của ông Mìn lại dặt dìu vang lên, gọi mọi người cùng tụ họp bên nhau, đàn ông thì quây quần bên chén rượu ngô đắm say, phụ nữ thì nhộn nhịp hát ca. Hiếm ở nơi đâu, mà những phong tục văn hóa còn được gìn giữ vẹn nguyên như ở mảnh đất này. Cụ Tráng Khái Lền, ở cái tuổi xưa nay hiếm, vẫn miệt mài hồ vải, phơi vải, tạo hình để cùng con cháu làm nên những bộ trang phục cầu kì của dân tộc mình.

Những người phụ nữ Pa Dí cần mẫn làm nên bộ trang phục truyền thống của dân tộc.

"Ngày xuân là phải mặc trang phục dân tộc, và con gái thì phải may từ lâu rồi. Nếu làm liên tục phải 2 - 3 tháng mới hoàn thành 1 bộ trang phục, còn nếu không làm liên tục thì phải mất cả năm trời", bà Tráng Khái Lền, thôn Tả Chư Phùng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương cho biết.

Khát khao gìn giữ mạch ngầm văn hóa dân tộc của các thế hệ cao niên ở Tung Chung Phố đang được lớp trẻ nơi đây thực hiện. Các nam nữ thanh niên Pa Dí ngày nay cũng tha thiết hơn, yêu hơn và biết gìn giữ những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc mình.

"Chúng em luôn cố gắng để giữ gìn trang phục và văn hóa. Đặc biệt, em cũng rất yêu thích bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Dịp đi học hay lễ tết, chúng em vẫn hay mặc để thể hiện tình yêu đó", chị Pờ Mìn Thủy, thôn Tả Chư Phùng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương bày tỏ.

Ở Lào Cai, người Pa Dí chỉ có vài ngàn người, chiếm thiểu số trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Vậy nhưng, người Pa Dí vẫn tạo được dấu ấn riêng, như “cây hai ngàn lá” vững vàng nơi biên cương Tổ quốc. Những bản làng của người Pa Dí ngày càng giàu mạnh, văn minh, với những mái nhà xây, những nương quýt ngọt, với những tiếng đàn, tiếng hát rộn ràng mỗi dịp tết đến, xuân về.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết