Cuộc sống cư dân vùng biên đổi thay từng ngày.
Gắn bó với vùng biên hơn 50 năm ông Phan Văn Nam, Bí thư Chi bộ thôn Bản Qua, xã Bản Qua còn nhớ như in những ngày đầu tái lập tỉnh. Ngày đó trên khắp dải đất biên giới này đâu đâu cũng xuất hiện bom mìn. Dân cư thưa thớt, giao thông chưa có, đời sống Nhân dân gặp vô vàn khó khăn do chủ yếu dựa vào tự cung tự cấp. Biên giới mở cửa, cư dân ở đây bắt đầu mua bán, trao đổi hàng hóa với Trung Quốc qua những con đường mòn, lối mở, vì thế cuộc sống cũng dần phát triển. Sau 30 năm thôn vùng biên hiện hữu là những căn nhà xây kiên cố, những con đường bê tông sạch sẽ, bà con yên tâm bám biên phát triển kinh tế. “Giờ Nhà nước đầu tư làm đường, điện, trường, trạm rồi nên trồng cây gì, nuôi con gì cũng bán được. Bà con Nhân dân tin tưởng vào lãnh chỉ đạo của Đảng”, ông Nam chia sẻ.
Cùng với việc giao thương hàng hóa, những năm gần đây người dân biên giới của tỉnh được thụ hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ từ việc mở rộng Khu kinh tế tỉnh Lào Cai. Hạ tầng giao thông được đầu tư, những dự án lớn thương mại, công nghiệp, dịch vụ đang tạo việc làm cho hàng nghìn cư dân vùng biên. Ông Vũ Ba Duy, Chủ tịch UBND xã Bản Qua, huyện Bát Xát cho biết: "Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nhiều dự án triển khai. Từ đó Nhân dân địa phương có nhiều cơ hội, nhất là lao động việc làm. Người dân ổn định cuộc sống".
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đang được xây dựng thành vùng kinh tế động lực chủ đạo.
Sau 30 năm tái lập Lào Cai đã thực sự tạo những đột phá mạnh mẽ nhờ định hướng đúng đắn trong phát triển kinh tế cửa khẩu. Từ việc chỉ là đường mòn, lối mở, đến nay Khu kinh tế cửa khẩu có diện tích rộng 16.000 ha nằm trên địa bàn 4 huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai và thành phố Lào Cai. Thu hút 242 dự án đăng ký đầu tư với tổng nguồn vốn 16.000 tỷ đồng, 10.000 lao động tham gia hoạt động kinh tế, dịch vụ. Điểm sáng lớn nhất mà Khu kinh tế cửa khẩu đem lại đó là giá trị từ xuất, nhập khẩu luôn tăng trưởng ổn định qua từng năm. Nếu như năm 1991 giá trị kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 495.000 USD thì đến năm 2019 con số đó đã tăng lên 2,6 tỷ USD. Ông Cao Bá Quý, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết: "Lào Cai tạo ra những cơ chế thông thoáng nhất, với thời gian ngắn nhất, các dịch vụ thuận lợi nhất thu hút đơn vị xuất, nhập khẩu. Đối với khu công nghiệp đề nghị nhà sản xuất khi xuất, nhập khẩu lựa chọn Lào Cai để thông quan".
Lào Cai đang hướng tới mục tiêu xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành vùng kinh tế động lực chủ đạo. Cùng với đó tỉnh phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại và dịch vụ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và kinh tế, xã hội đồng bộ. Đáp ứng một khu kinh tế năng động, phát triển bền vững. Góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống cư dân vùng biên giới tại khu kinh tế trên cơ sở bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, gắn với củng cố an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Bài, ảnh: Trung Kiên - Tuấn Nam
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết