Canh tác dược liệu an toàn - Giải pháp thoát nghèo bền vững ở vùng cao

08:37 25-09-2022 | :846

Laocaitv.vn - Dược liệu được xếp là một trong 5 loại cây trồng chủ lực của tỉnh Lào Cai đến năm 2050. Chính vì vậy, nông dân vùng cao có điều kiện khí hậu phù hợp đã tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tạo sản phẩm dược liệu tốt nhất khi sử dụng để chữa bệnh và nâng cao sức khỏe Nhân dân; từ đó tạo thu nhập ổn định, bền vững.

Toàn bộ nương trồng cây dược liệu đương quy của gia đình anh Sùng Seo Phổng (ở thôn Lử Thẩn, xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai) đều được che phủ ni-lông, sử dụng phân chuồng và không phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật. Năm đầu trồng, tiếp cận với nhiều kỹ thuật khó, nhưng anh Sùng Seo Phổng nhanh chóng nắm bắt, thực hiện ngay trên nương đương quy của gia đình. "Khó lúc cày và đánh luống, trồng lên rồi thì tôi chỉ cần nhổ cỏ và bón phân vào thôi, cây nào lá khô thì bẻ lá đi", anh Phỏng chia sẻ.

Áp dụng đúng kỹ thuật, nương trồng dược liệu của gia đình anh Sùng Seo Phổng đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi được 135 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại dược liệu, tập trung tại Bát Xát, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa; đều đã có liên kết sản xuất: doanh nghiệp thu mua sản phẩm dược liệu, nông dân cam kết sản xuất đạt các tiêu chuẩn an toàn của đơn vị thu mua.

Khi canh tác dược liệu, Lào Cai đặt vấn đề đạt các tiêu chuẩn an toàn lên hàng đầu. Chính yếu tố này giúp địa phương trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về trồng dược liệu của cả nước.

Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Ngày nay người ta hướng đến những gì thuận về tự nhiên nhiều hơn. Do đó, dược liệu đối với thế giới trở thành một nền kinh tế công nghiệp chứ không phải là sinh kế đơn thuần. Tôi nghĩ rằng, Lào Cai với vị trí địa lý, thổ nhưỡng khí hậu và với những gì Lào Cai đã phát triển được ngành dược liệu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng xem đó như là một nhân tố trung tâm của ngành dược liệu".

Lào Cai là một trong những tỉnh trọng điểm về trồng dược liệu của cả nước.

Đến thời điểm này, diện tích dược liệu được trồng mới của Lào Cai là 484 ha, đạt 90,4% kế hoạch năm, với các loại dược liệu atiso, cát cánh, đương quy, đảng sâm. Trong đó, có 140 ha dược liệu được canh tác đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Dự ước, sản lượng thu hoạch đạt trên 2.068 tấn.

Với thu nhập bình quân từ cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu đồng/ha, việc phát triển loại cây trồng chủ lực này sẽ mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân, giúp bà con thoát nghèo bền vững.

  Ngọc Hà - Ngọc Dương - Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết