Ẩn họa từ các công trình xã hội hóa giáo dục mất an toàn

21:00 29-11-2020 | :593

Laocaitv.vn - Xã hội hóa giáo dục là hình thức vận động và tổ chức các tầng lớp Nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp cùng chung tay tạo lập và cải thiện môi trường lành mạnh, thuận lợi cho hoạt động giáo dục. Đối với những địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế xã hội còn khó khăn thì công tác xã hội hóa giáo dục càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Tuy nhiên, với vụ tai nạn sập cổng trường nghiêm trọng tại Phân hiệu Bản Phung, Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, và trước đó là vụ sập cổng trường tại thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, thì việc quản lý các công trình xã hội hóa trở thành một vấn đề thực sự cấp thiết được đặt ra.

Người dân chủ động đập bỏ công trình cổng trường học không đảm bảo an toàn từ nguồn xã hội hóa.

Cách đây vài năm, từ nguồn kinh phí và vật liệu đi xin được của 1 doanh nghiệp trên địa bàn, bà con thôn Nậm Miện, xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn đã cùng tham gia ngày công để xây cổng phân hiệu trường tiểu học. Thế nhưng mới đây, cũng chính tự tay họ lại phải đập bỏ công trình ấy, bởi qua rà soát, trụ cổng không có cốt thép, địa thế lại không đảm bảo an toàn. Dù tiếc nuối, nhưng chính họ, những người trực tiếp tham gia xây dựng cũng không đủ niềm tin vào chất lượng công trình.

"Khi được hỗ trợ tiền để xây dựng thì chúng tôi cũng rất vui. Nhưng thực tế, chúng tôi là nông dân, cũng không được học hành, không biết kĩ thuật xây dựng là gì, nghĩ thế nào thì xây như thế, chỉ cốt thành hình cái cổng là được", ông Bàn Cờ Tiến, Trưởng thôn Nậm Miện, xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn bày tỏ.

Nhờ nguồn xã hội hóa, chỉ trong ít năm, Trường Tiểu học xã Thẳm Dương có thêm nhiều công trình được xây dựng. Vậy nhưng vừa qua, nhà trường đã phải đập bỏ 3 công trình, trong đó có 2 cổng phân hiệu trường. Điều đáng nói là ngay từ khi mới bắt tay vào xây dựng những công trình này, ngay cả người trong cuộc cũng đã không thực sự tin tưởng vào mức độ an toàn, nhưng bởi đây là nguồn kinh phí được hỗ trợ, nên có bao nhiêu thì sử dụng bấy nhiêu.

Các trường học trên địa bàn huyện Văn Bàn tích cực rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học.

Với địa bàn còn nhiều khó khăn như huyện Văn Bàn, thì những công trình được xây dựng từ nguồn xã hội hóa có ý nghĩa rất lớn đối với ngành giáo dục. Từ năm 2015 đến hết năm 2019, ngành Giáo dục huyện Văn Bàn đã huy động được trên 56 tỷ đồng xã hội hóa. Đây là nguồn lực quan trọng để xây dựng bổ sung phòng học và các công trình phụ trợ khác, tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh đến trường học tập. Tuy nhiên, sau những sự cố nghiêm trọng đã xảy ra và kết quả kiểm tra, rà soát lại thì mới thấy có nhiều bất cập trong việc triển khai thực hiện các công trình này. Từ đầu tháng 9 đến nay, riêng tại huyện Văn Bàn đã có tới 16 cổng trường được xây dựng từ nguồn xã hội hóa bị đập bỏ.

"Việc đập bỏ này là do nhà trường và các địa phương nhận thấy các công trình không được đảm bảo an toàn trong quá trình xây dựng, và khi đập bỏ thấy các cổng trường không có cốt thép, chỉ được xây bằng gạch, như vậy nguy cơ xảy ra sự cố là có thật. Chính vì thế, năm học này việc triển khai các công trình xã hội hóa tại các trường học đã có sự thắt chặt hơn", ông Trần Văn Thùy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn nói.

Như vậy là sau những tai nạn đáng tiếc xảy ra, qua việc nhận diện nguy cơ mất an toàn trường học, ngành Giáo dục huyện Văn Bàn nói chung, tỉnh Lào Cai nói riêng đã có những sự vào cuộc quyết liệt để giải quyết vấn đề. Cùng với việc tìm giải pháp khắc phục phù hợp nhất cho những công trình xã hội hóa hiện có, câu chuyện tiếp theo cần tính đến là việc tiếp nhận nguồn lực đầu tư quan trọng này từ nay về sau sẽ như thế nào cho phát huy được hiệu quả tích cực.

Thu Hường – Nông Quý – Trần Tuấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết