Báo chí Lào Cai trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

05:15 21-06-2018 | :1568

Laocaitv.vn - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) đã, đang và sẽ có những tác động sâu sắc, mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực báo chí, truyền thông. Hoạt động của các cơ quan báo chí, phương thức tổ chức sản xuất, thiết bị công nghệ, hay kỹ năng tác nghiệp của mỗi phóng viên, nhà báo đều phải có sự thay đổi cho phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, đặc biệt là về công nghệ và năng lực tác nghiệp. Nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2018), Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà báo Phan Quang Hưng -  UVBCH Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Lào Cai, Giám đốc Đài PT-TH tỉnh.

Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế vận động chung của báo chí

Về khái niệm, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây. Bản chất của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất.

Thời gian qua, các cơ quan báo chí trong nước nói chung, báo chí Lào Cai nói riêng đã chủ động, tích cực trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nội dung, ý nghĩa, tác động của cách mạng 4.0. Riêng tỉnh Lào Cai đã tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này trực tiếp tham gia, khẳng định quyết tâm cao độ của địa phương trong tiếp cận và triển khai ứng dụng thành công cuộc cách mạng công nghiệp mới.

Báo chí đã làm tốt công tác tuyên truyền về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhưng lại chưa thực sự quan tâm đúng mức tới những tác động, ảnh hưởng và khả năng vận động, thích nghi của chính mình trước những thay đổi mau lẹ mang tính toàn cầu về phương thức truyền thông thời kỳ 4.0. Trong khi đây lại thực sự là vấn đề mang tính sống còn đối với mỗi cơ quan báo chí.

Quang cảnh một buổi hội thảo khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai.

Nhìn ra thế giới, hãng thông tấn AP của Pháp đã bắt đầu sử dụng công nghệ viết báo tự động từ năm 2014. Nhờ kết nối với hệ thống dữ liệu khổng lồ, công nghệ này cho phép họ sản xuất các tin tức tài chính với tốc độ lên tới 2.000 tin mỗi giây và đang tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực khác. Hay, thay bằng tiếp cận với các tờ báo in, kênh phát thanh, truyền hình thuần túy, công chúng ở các quốc gia phát triển đã có thể tiếp nhận thông tin ở cấp độ cao hơn rất nhiều, như được tham gia vào chính thời điểm diễn ra sự việc, sự kiện trong không gian ảo 3 chiều, 4 chiều, mô phỏng lại theo đúng những gì đang diễn ra tại hiện trường.

Ở trong nước, cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng đang có những tác động mạnh mẽ tới lĩnh vực báo chí và truyền thông. Hàng loạt các xu thế mới xuất hiện, như: Video trực tuyến, sự kết hợp của các nền tảng dịnh vụ mạng xã hội, sự giao tiếp của con người cũng dần thay đổi, thực tại ảo đang trỗi dậy… Theo thống kê thì tại Việt Nam hiện có gần 50 triệu người sử dụng mạng xã hội, nói một cách hình tượng mỗi tài khoản Facebook là 1 “tòa soạn”, và mỗi người dùng Facebook đều có thể là 1 nhà báo công dân, họ tự do bình luận, tự do viết, tự do nói ở “tòa soạn” của mình. Có những tài khoản Facebook thu hút hàng triệu người theo dõi, tạo ra ảnh hưởng rất lớn trong xã hội thông tin, không kém gì một cơ quan báo chí. Vì vậy, nếu không có những thay đổi mang tính đột phá thì nguy cơ tụt hậu của báo chí so với mạng xã hội là nguy cơ hiện hữu.

Trang thông tin điện tử Đài PTTH Lào Cai.

Báo chí Lào Cai cần làm gì trong cách mạng công nghiệp 4.0

Câu hỏi đặt ra là: Báo chí Lào Cai cần làm gì trong cách mạng công nghiệp 4.0, để không tụt hậu so với xu hướng vận động chung của nền báo chí nước nhà, khu vực và quốc tế. Đây thực sự là một thách thức lớn, trong bối cảnh khó khăn chung của báo chí địa phương.

Trước hết là về nhận thức: Mỗi cơ quan báo chí và cá nhân người làm báo phải nhận thức và nắm bắt đầy đủ về cách mạng 4.0, những tác động của nó tới lĩnh vực báo chí, truyền thông và nhu cầu tiếp nhận thông tin của cộng đồng xã hội, từ đó có những bước đi phù hợp với xu thế chung, đưa ra được những giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí cũng như kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.

Thứ 2 là về công nghệ: Cách mạng Công nghiệp 4.0 liên quan đến Internet kết nối vạn vật (IoT). Con người, máy móc, thiết bị, công việc… được kết nối mọi lúc, mọi nơi để sinh ra những sản phẩm hay dịch vụ mới một cách thông minh. Hiểu một cách giản đơn hơn thì trong lĩnh vực báo chí cần có sự hội tụ của nền tảng công nghệ trong việc sản xuất ra các tác phẩm báo chí. Vì vậy, mỗi cơ quan báo chí cần phải quan tâm hơn đến việc đầu tư hạ tầng kết nối, trang thiết bị phục vụ tác nghiệp (công nghệ số) và có phương án đảm bảo an ninh thông tin. So với mặt bằng chung của khu vực Tây Bắc và cả nước thì hiện Đài PTTH Lào Cai, Báo Lào Cai về cơ bản không tụt hậu về công nghệ, thậm chí vượt trội về kết nối hệ thống và sự đồng bộ của thiết bị. Tuy nhiên về lâu dài, công nghệ vẫn là vấn đề cần được quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn, quá trình đầu tư cần nghiên cứu kỹ, đi tắt đón đầu, mạnh dạn ứng dụng những xu hướng công nghệ mới, hữu dụng cho sự hình thành các cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng.

Thứ 3 là về nguồn nhân lực: Như đã đề cập, người tham gia làm báo giờ đây không chí có các nhà báo, phóng viên (người làm báo chuyên nghiệp), mà đã xuất hiện khái niệm “nhà báo công dân”, tức là mọi người đều có thể tham gia làm báo. Vì vậy, cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng cho nguồn nhân lực hiện có, mỗi cơ quan báo chí Lào Cai cần đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ cộng tác viên, tăng cường năng lực tương tác, kết nối với độc giả, khán thính giả bằng nhiều hình thức để khai thác, sử dụng tối đa nguồn tin tức của các “nhà báo công dân”. Riêng đối với người làm báo chuyên nghiệp, trước đây nếu thành thạo 3 kỹ năng là viết, chụp ảnh, quay video thì đã được nhìn nhận là đa năng. Nhưng trong kỷ nguyên số, bên cạnh những kỹ năng tác nghiệp cơ bản đó, nhà báo còn cần biết thiết kế đồ họa, biết làm thương hiệu bản thân, tương tác mạng xã hội...

Cuối cùng là về tổ chức sản xuất theo mô hình tòa soạn hội tụ: Tòa soạn hội tụ là mô hình tòa soạn hiện đại, tận dụng tối đa ưu thế về nhân lực, phương tiện và nền tảng công nghệ kỹ thuật tiên tiến để sản xuất ra các ấn phẩm cho nhiều loại hình, phương tiện báo chí khác nhau. Hội tụ truyền thông không có nghĩa là sự cộng dồn một cách máy móc các loại hình báo chí trong cùng một cơ quan, mà thực chất là các tòa soạn, ban biên tập sẽ phải cấu trúc, sắp xếp lại, để trở thành một “guồng máy” sản xuất tin tức, chế ra nhiều “món ăn” đáp ứng các thị hiếu của công chúng hiện đại. Hiện nay tất cả các cơ quan báo chí Lào Cai đều chưa đạt được tiêu chí về tòa soạn hội tụ, trong khi trên thế giới, nhiều tòa soạn của các hãng truyền thông lớn đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để tác nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng tòa soạn hội tụ cần phải được đẩy nhanh, đặc biệt là tại 2 cơ quan báo chí hiện có nhiều loại hình, ấn phẩm là Đài PTTH Lào Cai và Báo Lào Cai.

Kỷ niệm 93 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, mỗi cơ quan báo chí và người làm báo tỉnh Lào Cai cùng nhìn lại chặng đường vẻ vang đã đi qua, đồng thời nhận thức đầy đủ những thời cơ, thách thức của báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên 4.0. Để từ đó có hướng tiếp cận đúng, cùng nỗ lực để không tụt hậu, góp sức xây dựng tỉnh Lào Cai giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, vững mạnh về quốc phòng an ninh ở nơi địa đầu biên cương Tổ Quốc./. 

                                                              Nhà báo Phan Quang Hưng 

(UVBCH Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Lào Cai, Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Lào Cai)


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết