Laocaitv.vn - Các thiết bị thông minh như tivi, điện thoại, iPad… giờ đây đã trở nên quen thuộc đến mức khó có thể tách rời khỏi cuộc sống của chúng ta. Mạng xã hội, với vô vàn tiện ích, mở ra cả một thế giới mới đầy màu sắc. Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích đó là những nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa đến sự an toàn và phát triển của trẻ em.
"Vì em chưa được sử dụng điện thoại nên em hay xem các chương trình hoạt hình trên tivi. Em rất thích xem tivi"; "Em rất thích chơi trò nông trại trên điện thoại. Em thích xem hoạt hình và các kênh giải trí". Đó là chia sẻ của em Trần Minh Châu ở phường Kim Tân và em Phạm Phương Chi ở phường Nam Cường, thành phố Lào Cai.
Trẻ em dễ dàng truy cận nội dung trên mạng xã hội qua điện thoại.
Những trò chơi hấp dẫn, những video vui nhộn trên không gian mạng như một chiếc nam châm thu hút các em. Tuy nhiên, không phải nội dung nào trên mạng cũng phù hợp với lứa tuổi, các em có thể bị ảnh hưởng tâm lý, dễ bị lừa gạt, dụ dỗ hoặc bị lôi kéo vào các hành vi trái đạo đức và trái pháp luật trên không gian mạng.
Thống kê cho thấy, hiện có 89% trẻ em Việt Nam từ 12 – 17 tuổi sử dụng internet, con số này ở lứa tuổi 12 – 13 là 82% và tăng lên 97% ở tuổi 16 – 17. Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2020 - 2023 đã có hơn 400 vụ lợi dụng các trang mạng xã hội để dụ dỗ và xâm hại trẻ em.
Chính vì vậy, nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo ngại và không biết làm thế nào để vừa cho con được tiếp xúc với công nghệ, vừa bảo vệ con khỏi những nguy hiểm trên mạng.
Nội dung độc hại trên mạng xã hội bị cảnh báo.
Ông Nguyễn Tiến Chính, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai chia sẻ: "Nhà tôi kinh doanh, trong thời gian nghỉ hè không thể kiểm soát được việc các cháu xem các nội dung, chương trình trên tivi, điện thoại. Đây là vấn đề gia đình tôi rất quan tâm".
Chị Ngô Thị Kim Tân, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai lo lắng: "Có những chương trình trên YouTube rất nhảm nhí, vô bổ, thậm chí nguy hiểm cho các cháu. Ở nhà, mình có thể quản lý được, nhưng khi đi làm thì không thể nào kiểm soát được".
Vậy nên, mỗi gia đình cần dành thời gian để trò chuyện với con về những lợi ích và nguy hại của mạng xã hội, khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoài trời để hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Ngoài việc kiểm soát và định hướng để các em sử dụng mạng xã hội có chọn lọc, thì việc trang bị cho trẻ kỹ năng để nhận biết những rủi ro trên không gian mạng là việc làm cần thiết.
Anh Hoàng Mạnh Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai nhấn mạnh: "Các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh triển khai các giải pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho phụ huynh, trẻ em và xã hội để bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng thông qua các buổi sinh hoạt Đoàn, Đội; tổ chức nói chuyện chuyên đề trên các diễn đàn về văn hóa ứng xử trên không gian mạng".
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường số, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định pháp luật như: Luật Trẻ em 2016 và Luật An ninh mạng. Gần đây, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam vừa công bố Bộ tiêu chuẩn quy định các yêu cầu cơ bản đối với sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Những bước đi này thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo ra một không gian mạng an toàn cho trẻ em.
Phụ huynh cùng chơi trò chơi tại nhà với các em.
Bà Trần Xuân Huệ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục trong việc tìm ra các giải pháp, các biện pháp hữu hiệu nhất như: Tổ chức các buổi hội thảo hoặc biên soạn các tài liệu hướng dẫn để cho các con và phụ huynh có những cẩm nang bảo vệ chính mình trên không gian mạng."
Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, nếu biết cách sử dụng đúng đắn, nó sẽ là một công cụ hữu ích. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng và giáo dục trẻ em về cách sử dụng mạng xã hội an toàn là rất quan trọng. Đó chính là “vắc xin số” dành cho những “công dân số nhí”.
Thảo Linh - Minh Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết