Laocaitv.vn - Cách đây 45 năm, hơn 100 con em đồng bào các dân tộc tỉnh biên giới Lào Cai xa xôi, sau 6 tháng luyện ở vùng căn cứ địa cách mạng Việt Bắc đã có mặt cùng 5 cánh quân của ta hùng dũng tiến vào giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử xuân 1975.
Từ ngày tái lập tỉnh Lào Cai (1/10/1991) tới nay, năm nào các cựu chiến binh Lào Cai từng chiến đấu ở Sư đoàn 320A và huấn luyện quân sự trước khi vào miền Nam đánh giặc ở Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Sư đoàn 304B trực thuộc Quân khu Việt Bắc năm xưa cũng gặp mặt cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời chiến trường sống chết bên nhau.
Các cựu chiến binh Lào Cai từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975 trong ngày gặp mặt truyền thống lần đầu năm 1995. (Ảnh: Phạm Ngọc Triển)
Đó là kỷ niệm không thể nào quên của người lính Lào Cai được thay nhau ngủ ngon lành đêm hòa bình đầu tiên của Sài Gòn ngay trong Dinh Độc Lập, nơi vốn là đầu não sào huyệt của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn với bao lớp bảo vệ nghiêm ngặt cùng dòng chữ ghi trên hàng rào thép gai đọc lên cũng gai hết cả người: "Ai vượt qua sẽ bị bắn bỏ ngay"...
Quên làm sao được những kỷ niệm của chúng tôi với người đồng đội, người đồng hương Lào Cai tên là Đào Nguyên Hùng, nhà ở thôn Phẻo, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng đã anh dũng hy sinh ngay trước cửa tư dinh của Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn trên đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) cách cổng chính Dinh Độc Lập không xa ngay buổi trưa ngày 30/4/1975.
Chiến sỹ Đào Nguyên Hùng là liệt sỹ cuối cùng của Sư đoàn 320A và cũng là liệt sỹ cuối cùng của tỉnh Lào Cai trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tên liệt sỹ Đào Nguyên Hùng đã được vinh dự ghi danh trong số những người góp phần làm rạng danh tỉnh Lào Cai trong cuốn Đặc san kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Lào Cai (1907 -2007).
Thiếu tướng Ngô Văn Hùng thăm gia đình liệt sỹ Đào Nguyên Hùng ở xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, đã anh dũng hy sinh ngày 30/4/1975 trong trận đánh Dinh Độc Lập. (Ảnh: Phạm Ngọc Triển)
Nhớ mãi kỷ niệm chiều tối ngày 26/4, Sư đoàn 320A anh hùng của chúng tôi làm lễ xuất trận trong chiến dịch lớn cuối cùng của quân ta mang tên Bác Hồ kính yêu trong cánh rừng le ngút ngàn có rất nhiều hố bom pháo của địch cùng hệ thống địa đạo chằng chịt dấu mình trong lòng đất nằm ven sông Sài Gòn.
Nơi ấy nay là địa danh du lịch nổi tiếng địa đạo đất thép Củ Chi và khu đền Bến Đình khắc tên tưởng nhớ hàng vạn người con ưu tú của mọi miền đất nước, trong đó có bộ đội Quân giải phóng là người Lào Cai, đã nằm lại mãi mãi trong lòng đất ở chiến trường Sài Gòn - Gia Định.
Chẳng sợ chết trước khi ra trận đi vào giải phóng Sài Gòn, những anh lính trẻ Lào Cai vẫn bình tĩnh ghi tên tuổi, mật danh đơn vị mình là A 500 gói vào túi ni-lon để trong ngực phòng khi hy sinh anh em tìm kiếm thi thể có căn cứ chôn cất trong nghĩa trang liệt sỹ và làm giấy báo hy sinh gửi về cho bố mẹ không bị sai sót.
Hơn một trăm chiến sỹ trẻ Lào Cai năm xưa có vinh dự được cùng đại quân và các chiến sỹ người Lào Cai ở đơn vị khác đi bộ đội các năm trước, với các cương vị và vị trí khác nhau của người chiến sỹ Giải phóng quân từ 5 hướng tiến về giải phóng Sài Gòn với mục tiêu cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: Dinh Độc Lập - Sào huyệt lớn cuối cùng và lớn nhất của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.
Những người lính vùng núi Lào Cai chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 320A và Binh đoàn Tây Nguyên đã mưu trí, dũng cảm cùng anh em trong Trung đoàn 48 anh hùng đã đánh chiếm căn cứ quân sự Củ Chi của địch do Chuẩn tướng ngụy Lý Tòng Bá chỉ huy ngay trong ngày 29/4/1975, góp phần mở tung cánh cửa thép do địch làm chủ để mở đường cho cánh quân lớn tiến vào giải phóng hoàn toàn Sài Gòn - Gia Định.
Nhiều người lính vùng núi Lào Cai khác chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64A anh hùng do Tiểu đoàn phó Phạm Xuân Hùng trực tiếp chỉ huy (ông Phạm Xuân Hùng là Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam) cùng bộ đội đặc công, biệt động Sài Gòn kịp thời đánh chiếm, chốt chặn cây cầu Bông, cầu Sáng nằm trên con đường độc đạo chiến lược vào nội đô Sài Gòn từ hướng tây bắc thành phố sáng ngày 29/4/1975.
Các ngày tiếp theo, bộ đội người Lào Cai chúng tôi tiếp tục cùng cả Sư đoàn 320A và Quân đoàn 3 tiến thẳng trung tâm Sài Gòn theo đại lộ Nam Hàn từ quận lỵ Hóc Môn lên ngã tư Bẩy Hiền để đánh chiếm quân trường Quang Trung, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất... để tiến thẳng vào mục tiêu cuối cùng phải đánh chiếm là Dinh Độc Lập.
Chúng tôi nhớ lắm hình ảnh thân thương của các má, các chị, các em người Sài Gòn mang nước uống, trái cây tươi... tặng bộ đội Quân giải phóng trên đường tiến vào các mục tiêu trung tâm thành phố.
Nhớ nhất là khi được lệnh tăng tốc hành quân, các lái xe người thành phố đang chở khách trên đường được huy động lái xe giúp bộ đội. Họ đã dũng cảm cầm lái cùng với biệt động thành phố đưa bộ đội Quân giải phóng lao thẳng vào các mục tiêu trọng yếu giữa trung tâm thành phố Sài Gòn.
Sau chiến thắng ngày 30/4, cánh lính trẻ người vùng núi Lào Cai chúng tôi lại theo các đơn vị chiến đấu của mình nằm trong đội hình Quân đoàn 3 dời Dinh Độc Lập và nội thành Sài Gòn ra ngoại ô làm nhiệm vụ tiếp tục huấn luyện chiến đấu, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ vừa hình thành sau giải phóng và cùng Nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới trên vùng đất thép Củ Chi và thị xã Thủ Dầu Một kết nghĩa với tỉnh Lào Cai từ thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...
Sau chiến tranh, những người lính trở lại quê hương vùng núi Lào Cai sinh sống, tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Có những người trưởng thành tiếp trong chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc như Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Hòa, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai; Đại tá Trần Kim Ngọc, nguyên Phó Trưởng phòng I, Phòng Nghiệp vụ Công an tỉnh Lào Cai; Thượng tá Trần Văn Hải, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Cam Đường; Nguyễn Đức Đôn, nguyên Phó Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai; Phạm Ngọc Triển, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Lào Cai...
Còn những cựu binh khác không phải người quê Lào Cai nhưng hiện đang làm việc tại Lào Cai hoặc có hàng chục năm lăn lộn với địa bàn công tác tỉnh Lào Cai đã từng là người lính trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam như Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Thiếu tướng Ngô Văn Hùng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2; nhà báo Lê Minh Thảo, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai...
Đối với họ, kỷ niệm đẹp nhất, tự hào nhất đó là có mặt trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử xuân 1975.
Phạm Ngọc Triển
Cựu chiến binh Sư đoàn 320A
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết