Bữa ăn bán trú vùng cao còn nhiều nỗi lo

10:39 28-09-2017 | :1044

Liên tiếp các vụ việc mất an toàn, vệ sinh thực phẩm tại trường học ngay trong những ngày đầu năm học 2017-2018 đã khiến dư luận lo ngại về những suất ăn của học sinh bán trú. Cách đây không lâu, tại Lào Cai cũng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến 73 học sinh tại trường PTDTBT tiểu học và THCS  xã Hầu Thào- huyện Sa Pa  phải nhập viện. Vụ việc này cho thấy công tác đảm bảo ATTP tại bữa ăn bán trú còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Sau 1 tuần sau khi xảy ra vụ khiến 73 học sinh phải nhập viện sau bữa ăn bán trú, mọi hoạt động của  Trường PTDTBT tiểu học và THCS  Hầu Thào- đã diễn ra bình thường. Các em đã quay trở lại lớp sau vài ngày được điều trị tích cực. Tuy nhiên vẫn còn đó những nỗi lo hiện hữu trên gương mặt thầy trò nơi đây. Thầy giáo Nguyễn Xuân Trường- hiệu trưởng trường PTDTBT tiểu học và THCS  Hầu Thào cho biết: việc đảm bảo ngày 3 bữa ăn cho 320 học sinh ở bán trú tại trường là một trong những công việc  rất vất vả đối với thầy cô giáo ở đây. Sau sự việc đáng tiếc vừa xảy ra, nhà trường đã nghiêm túc nhìn nhận lại tất cả các khâu tổ chức bữa ăn cho học sinh ở bán trú. Qua đó nhận thấy rõ, việc đảm bảo an toàn cho bữa ăn còn nhiều điều đáng bàn. Từ khâu lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm, quy trình chế biến, cũng như nhân viên cấp dưỡng thực phẩm vẫn còn nhiều thiếu sót.

Năm học này, toàn huyện Sa Pa có hơn 3.300 học sinh ở bán trú, trong đó có 1100 là học sinh tiểu học. So với năm trước, số lượng học sinh bán trú tăng cao do huyện đang thực hiện chủ trương đưa học sinh tiểu học lớp 4, lớp 5 từ các phân hiệu ra trường trung tâm. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho các trường trong việc tổ chức nơi ăn, chốn ở cho học sinh bán trú. Ông Đỗ Văn Tân- Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Sa Pa cho biết: Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc tổ chức bữa ăn cho học sinh là do diện tích hẹp, không thể đảm bảo theo bữa ăn một chiều theo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn nước sạch cũng là thực trạng đang xảy ra ở hầu hết các trường bán trú trên địa bàn huyện. Đa phần các trường đều lâm vào tình trạng thiếu nước, đặc biệt là vào mùa khô, hoặc phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Một học sinh bị ngộ độc thực phẩm tại trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Hầu Thào, huyện Sa Pa

Một trong những vấn đề nổi cộm cũng cần phải nhắc đến là người chế biến thực phẩm. Đa phần các trường thuê người dân ngay tại địa phương, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số để tổ chức nấu ăn bán trú. Đối tượng này  thiếu kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, do chưa từng được tham gia lớp tập huấn nào về công tác này. Sau sự việc xảy ra tại xã Hầu Thào, ngành giáo dục- đào tạo huyện  Sa Pa cũng rút ra nhiều điều, để có những giải pháp khắc phục những tồn tại trên. Theo đó, huyện sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, ưu tiên đầu tư xây dựng bếp ăn theo đúng tiêu chuẩn. Đồng thời siết chặt việc ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm; chú trọng khâu bảo quản thực phẩm. Đặc biệt, việc tuyển dụng và tổ chức những lớp tập huấn để nâng cao nhận thức cho người cấp dưỡng trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm sẽ được địa phương quan tâm trong thời gian tới.

Câu chuyện bữa ăn bán trú tại các trường vùng cao vẫn có đó rất nhiều nỗi lo. Bởi vậy  việc siết chặt tất các khâu từ thực phẩm đầu vào cho đến bàn ăn của học sinh cần nhận được sự quan tâm không chỉ từ phía nhà trường, mà còn của cấp ủy, chính quyền địa phương  để hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

                                                                                         Trung Kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết