Cần bắt đầu dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trước mùa Đông 2019

10:36 15-09-2019 | :397

Laocaitv.vn - Những năm gần đây, khí hậu diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan trong mùa Đông thường rất khó lường, diễn ra với tần suất cao, cường độ mạnh, không theo quy luật. Rét đậm, rét hại, sương muối, mưa đá, băng giá, tuyết…, đã gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại lớn cho đàn gia súc trong mùa Đông ở Lào Cai, đặc biệt là ở các địa bàn vùng cao.

Cần chuẩn bị ngay các biện pháp đảm bảo chống rét cho đàn gia súc trước mùa Đông 2019.

Theo khảo sát, toàn tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 60.000 hộ chăn nuôi gia súc lớn như trâu, bò, ngựa, trong đó, khoảng 10.000 hộ mới có chuồng tạm nhưng không bảo đảm phòng chống rét đậm, rét hại; hơn 4.500 hộ không có chuồng nuôi; khoảng 800 hộ thả rông gia súc. Như vậy, nếu xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài trong mùa Đông 2019 sẽ có trên 15.000 con gia súc lớn có nguy cơ chết rét. Để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trên đàn gia súc trong mùa Đông 2019 (sẽ bắt đầu từ khoảng tháng 11/2019), ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai khuyến cáo bà con nhân dân cần bắt đầu triển khai dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, như sau:

1. Tận dụng triệt để sản phẩm phụ ngành trồng trọt như: Rơm lúa mùa, thân, lá và bẹ ngô, cây lạc, khoai lang, ngọn mía, cây chuối...., cỏ tự nhiên, cỏ trồng không sử dụng hết để phơi khô hoặc chế biến ủ chua dự trữ đủ lượng thức ăn cho gia súc trong những ngày giá rét sắp tới; đảm bảo tối thiểu 400 kg rơm, cỏ khô cho 01 con gia súc; dự trữ thức ăn tinh bổ sung cho gia súc trưởng thành (bình quân 01 kg/con/ngày), gia súc non 0,3 - 0,5 kg/con/ngày.

2. Song song với hoàn thành tiêm phòng đợt II năm 2019, cần thực hiện tẩy ký sinh trùng cho gia súc trước tháng 11/2019; tăng cường chăm sóc, vỗ béo gia súc để tăng sức đề kháng với đói rét và dịch bệnh; vào những ngày mưa rét, nhiệt độ dưới 120C thì không chăn thả gia súc, cung cấp đủ thức ăn thô xanh tại chuồng, cho uống nước ấm có pha thêm muối hoặc cháo loãng, nước gừng giúp giữ thân nhiệt, bổ sung các loại vitamin để tăng sức đề kháng cho gia súc.

Rơm rạ là nguồn thức ăn có sẵn, rất hữu ích cho gia súc trong mùa Đông

3. Khẩn trương sửa chữa, làm mới chuồng nuôi đảm bảo giữ ấm cho gia súc trước 30/10/2019; những hộ chăn thả gia súc trong rừng, trước tháng 11/2019 phải thực hiện xong việc di chuyển đàn gia súc về chăm sóc nuôi nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió, nhiệt độ cao hơn, có đủ các điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh, chống rét.

4. Dọn vệ sinh chuồng nuôi hàng ngày, đảm bảo chuồng nuôi luôn khô ráo, định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi 01 lần/tuần; làm hố chứa phân, nước tiểu gia súc riêng, xử lý phân gia súc bằng phương pháp ủ nhiệt hoặc ủ men vi sinh; không tích trữ phân gia súc trong chuồng đang nuôi nhốt gia súc.

5. Vỗ béo gia súc gầy yếu, xuất bán gia súc đến tuổi giết thịt; không nên nuôi lưu đàn quá lâu nhằm giảm bớt khó khăn cho việc phòng chống đói, rét và hạn chế thiệt hại trong mùa Đông 2019.

Hiện nay, nông dân Lào Cai đang vào vụ thu hoạch lúa mùa 2019, thay vì thực hiện thói quen thường thấy là đốt bỏ rơm rạ ngay tại ruộng sau thu hoạch, cần tận dụng nguồn rơm rạ quý giá này để dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa Đông 2019. Đã đến lúc phải cân nhắc mua máy ép rơm, cỏ khô theo nhóm hộ để tăng số lượng và đảm bảo chất lượng thức ăn khô dự trữ, đồng thời phòng ngừa hoả hoạn do gác nhiều rơm trên mái nhà, mái bếp./.

Tin, ảnh: Cao Bá Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết