Cẩn trọng với bệnh tay chân miệng

17:30 29-04-2024 | :121

Laocaitv.vn - Nắng nóng kéo dài, nhóm bệnh lây lan qua đường tiêu hóa đang có xu hướng gia tăng, trong đó, có bệnh tay chân miệng. Đây là bệnh lý nguy hiểm, nhất là khi chuyển sang mức độ nặng. Việc chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý đúng cách sẽ giúp trẻ tránh được những biến chứng nguy hiểm.

Hiện, mỗi ngày Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai tiếp đón và thăm khám cho hơn 100 bệnh nhân. Trong đó, có khoảng 20 bệnh nhi được phát hiện mắc tay chân miệng. Đa phần bệnh nhi đều ở mức độ nhẹ, số ít phải nhập viện điều trị khi có biểu hiện sốt, mệt mỏi, quấy khóc và xuất hiện nhiều mụn nước ở tay, chân, miệng.

Bác sĩ Hoàng Trung Úy, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai cho biết: "Bệnh do virus, không dùng kháng sinh, chủ yếu là trẻ phải được cách ly, theo dõi chế độ, dùng hạ sốt cho em bé để tránh bị sốt cao, co giật; theo dõi các biến chứng, có thể chuyển độ là sốt cao li bì, co giật nhiều thì cần cho trẻ nhập viện".

 

Nhiều bệnh nhi thăm khám tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh được chẩn đoán mắc tay chân miệng.

Tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, bệnh lây qua đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc qua bề mặt vật dụng có chứa virus. Khi mắc bệnh, trẻ có các dấu hiệu đau họng, sốt nhẹ, quấy khóc, biếng ăn, tiêu chảy... đặc biệt là nổi bóng nước. 

Theo các bác sĩ, khoảng trên 90% trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng có thể tự khỏi. Một số ít mắc bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp, thậm chí là tử vong. Bởi vậy, trẻ cần được theo dõi phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Bác sĩ Hoàng Tùng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai cho biết thêm: "Năm nay, dịch tay chân miệng vẫn giống năm ngoái, tức là do chủng EV71 gây ra, chủ yếu là tay chân miệng độ 1, một số cháu độ 2A phải nhập viện, chưa ghi nhận cháu nào độ 2B hay độ 3. Tay chân miệng có rất nhiều biến chứng, nặng nhất có thể tử vong. Để phòng tránh tốt nhất, chúng ta phải nâng cao thể trạng, bổ sung đủ vi chất cho trẻ; nếu phát hiện trẻ mắc tay chân miệng, phải có biện pháp cách ly riêng cháu bé để tránh lây nhiễm ra cộng đồng".

Trẻ mắc tay chân miệng cần được theo dõi tình trạng bệnh để được điều trị kịp thời nếu bệnh chuyển nặng.

Hiện, chưa có vắc-xin phòng tay chân miệng, do vậy, việc chủ động phòng tránh, thực hiện đúng theo khuyến cáo "3 sạch" là: ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch vẫn là giải pháp tối ưu để trẻ phòng tránh được dịch bệnh.

Vân Anh - Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết