Chủ động phân luồng, định hướng nghề nghiệp ở địa bàn khó khăn

16:18 15-04-2024 | :110

Laocaitv.vn - Giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Làm tốt công tác này sẽ tạo hướng đi đúng cho học sinh, hạn chế lãng phí về thời gian, chi phí của gia đình và xã hội. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các trường học, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, giúp các em có những lựa chọn đúng đắn cho tương lai. Ghi nhận tại xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát. 

Cô giáo Hoàng Thị Kim Oanh là thành viên Tổ tư vấn hướng nghiệp Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Cốc Mỳ, huyện Bát Xát. Cùng với những nội dung bài giảng theo chương trình, cô Oanh còn sáng tạo khai thác và ứng dụng các video liên quan đến nghề nghiệp, việc làm để đưa vào những bài giảng trên lớp.

Ngoài những bài giảng theo chương trình, cô Oanh còn khai thác những video liên quan đến việc làm để đưa vào bài giảng.

Cô giáo Hoàng Thị Kim Oanh, Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Cốc Mỳ, huyện Bát Xát chia sẻ: “Hướng dẫn các em truy cập những kênh thông tin chính thống, từ đó các em có định hướng đúng về nghề nghiệp, phù hợp với sở thích, năng lực, sở trường của cá nhân. Thông qua mỗi tiết học, tôi cũng xây dựng ước mơ cho các em. Để thực hiện ước mơ của mình trở thành hiện thực, ngoài con đường học sẽ không có con đường nào khác”.

Gắn công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh thông qua những tiết học trên lớp, từ đầu năm đến nay, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Cốc Mỳ đã tổ chức được 2 buổi hướng nghiệp. Qua đó, giúp cho các em học sinh khối lớp 9 tự tin hơn khi lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.

Từ đầu năm đến nay, Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Cốc Mỳ đã tổ chức được 2 buổi hướng nghiệp.

Em Lý Thu Thủy, Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Cốc Mỳ, huyện Bát Xát nói: “Sau khi học xong lớp 9 cháu sẽ thi vào Trường THPT số 2 huyện Bát Xát vì trường gần nhà và cháu nghĩ phù hợp với khả năng học tập của cháu”.

Em Gì A Hồng, Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Cốc Mỳ, huyện Bát Xát chia sẻ: “Học ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thì được học nghề và học chương trình phổ thông, sau khi ra trường có hai bằng, một bằng nghề và một bằng văn hóa để đi làm giúp gia đình sau này”.

Với sự chủ động triển khai giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp, phần lớn học sinh khối lớp 9 Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS xã Cốc Mỳ đã đăng ký tiếp tục học lên bậc THPT.

Ông Nguyễn Văn Tạo, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Cốc Mỳ, huyện Bát Xát (ảnh trên) cho biết: “Giáo viên chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của bản thân, chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Cho nên trong quá trình tổ chức thực hiện chúng tôi có kiểm tra, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm để thực tiễn công tác giảng dạy đi vào hiệu quả và thiết thực”.

Sau khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đã tạo thuận lợi hơn cho các trường học, nhất là những trường ở khu vực vùng cao, vùng xa trong hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao trong phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là các bậc cha mẹ học sinh cũng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết