Laocaitv.vn - Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, vận động và triển khai rất nhiều giải pháp, nhưng trong năm 2017 vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn xảy ra 26 vụ tai nạn lao động, trong đó có 8 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm 8 người chết; 26 vụ cháy, khiến 10 người bị thương, thiệt hại vật chất do tai nạn lao động và cháy nổ khoảng 4,7 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự thiếu trách nhiệm của các chủ sử dụng lao động và ý thức chủ quan của người lao động.
Công ty CPĐT Thương mại và Phát triển Đại Tây Dương, chi nhánh Lào Cai là đơn vị được cấp giấy phép kinh doanh từ năm 2016 và đang hoạt động trên địa bàn xã Bản Vược, huyện Bát Xát. Mặc dù đã nhận được kế hoạch kiểm tra của ngành chức năng từ trước nửa tháng, song đơn vị này vẫn mắc khá nhiều lỗi vi phạm liên quan đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ. Cụ thể như không có hợp đồng với người lao động, thiếu các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tối thiểu, và đặc biệt là đơn vị này chưa được nghiệm thu phương án về phòng chống cháy nổ nhưng vẫn tổ chức các hoạt động bình thường.
Trước đó, vào cuối năm 2017, doanh nghiệp này đã hai lần bị xử phạt vì hành vi lấn chiếm đất, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất và triển khai xây dựng hệ thống kho ngoại quan khi chưa có giấy phép xây dựng. Liên tiếp bị xử lý vì sai phạm, nhưng chưa có biểu hiện gì cho thấy doanh nghiệp này sẽ thay đổi, để đảm bảo người lao động được làm việc trong một môi trường an toàn hơn.
Tình trạng người lao động không sử dụng đồ bảo hộ vẫn còn xảy ra tại nhiều công trình xây dựng.
Ở một góc nhìn khác, chúng ta sẽ thấy bản thân không ít người lao động cũng hết sức chủ quan, mặc dù họ đã được tập huấn bài bản, được trang bị bảo hộ đầy đủ, nhưng vì một chút bất tiện trong quá trình sản xuất mà vô tình họ đã tự đẩy mình vào trạng thái nguy hiểm bởi không áp dụng các biện pháp bảo hộ lao động.
Chính bởi thực trạng này mà trong thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, cơ quan thường trực của tỉnh về an toàn lao động đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng như công an, y tế để tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động ở các cơ sở sản xuất, các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, một giải pháp hữu hiệu cũng được các ngành khuyến cáo, đó là sự chủ động của chính các doanh nghiệp trong việc tự kiểm tra, đôn đốc công nhân đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
Các cơ quan chức năng kiểm tra ATVSLĐ tại một công trường xây dựng trên địa bàn.
Theo thống kê của ngành chức năng thì trong năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức được 72 lớp tập huấn, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho gần 5.000 lượt người. Trên 8.700 lượt người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được khám định kỳ sức khỏe. Và ở hầu hết các cơ quan, đơn vị, công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ đã được gắn liền với kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đó là những con số, những thông tin thực sự đáng mừng, song điều quan trọng hơn là các chủ sử dụng lao động cũng như bản thân mỗi người lao động phải chủ động áp dụng đúng quy trình an toàn trong lao động để giảm thiểu những tai nạn, rủi ro, vì sự an lành của mọi nhà, vì sức khỏe của người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết