Day dứt tình trạng tảo hôn ở Pa Cheo

22:34 12-06-2021 | :921

Laocaitv.vn - Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn là vấn đề được cấp ủy chính quyền các cấp quan tâm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở các xã vùng đồng bào dân tộc vẫn diễn ra và có chiều hướng gia tăng. Ghi nhận tại xã Pa Cheo, huyện Bát Xát.

2 em Sùng A Ký và em Lý thị Dua bỏ học về ở với nhau. 

Pa Cheo là xã có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Một điều đáng lo ngại đó là tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra âm thầm, lén lút và có hướng tăng lên. Năm 2019 xã có 17 trường hợp tảo hôn, năm 2020 xã có 20 trường hợp, từ đầu năm 2021 đến nay xã có 9 trường hợp. Hầu hết các trường hợp tảo hôn này đều không đi học, các em bỏ học giữa chừng. Điển hình như trường hợp của em Sùng A Ký 19 tuổi và em Lý thị Dua 17 tuổi, thôn Xéo Pa Cheo đều bỏ học về ở với nhau, kể cả khi chính quyền địa phương, bố mẹ không đồng ý, hai em vẫn chung sống với nhau. Ông Sùng A Lử, bố của em Sùng A Ký, thôn Xéo Pa Cheo, xã pa Cheo, huyện Bát Xát chia sẻ: "Lúc đấy là nó chưa đủ tuổi, tôi cũng có nói, ở với nhau mà chưa đủ tuổi là không được, nó vẫn ở với nhau, bố cũng không nói được".

Trường hợp của em Lý A Vảng và Phàn Thị Sý ở cùng thôn cũng là một ví dụ. Chính quyền, các ban ngành, đoàn thể đến tận nhà tuyên truyền, can ngăn nhưng khi thấy có người đến các em lại bỏ trốn sang thôn khác. Bố mẹ em cũng không ngăn cản, thậm chí còn đồng tình. Những khuôn mặt non nớt, chưa biết hậu quả của của việc tảo hôn, nhất là đối với sức khỏe, giới tính cũng như phát triển kinh tế, làm chủ gia đình. Em Lý A Vảng, thôn Xéo Pa Cheo, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát cho biết: "Mọi người bảo phong tục đồng bào mình phải lấy vợ sớm. Bố mẹ cũng ủng hộ nên mình thích thì mình về ở với nhau thôi".

Cán bộ xã tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại cơ sở.

Thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đối với Pa Cheo vẫn còn nhiều khó khăn khi thói quen lập gia đình sớm đã ăn sâu vào nếp nghĩ của đồng bào. Ông Hầu A Trừ, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Cheo, huyện Bát Xát cho biết: "Tập tục của người Mông ngày xưa là lấy vợ lấy chồng chỉ mổ đôi con gà là thành vợ thành chồng rồi".

Công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải được đẩy mạnh, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, kịp thời có giải pháp cụ thể - đây là chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 33 của Tỉnh ủy.

Và Pa Cheo nói riêng, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội.

 Việt Hùng – Vũ Giang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết