Laocaitv.vn - Lớp học ghép, lớp học tạm, đường giao thông khó khăn, thiếu điện, thiếu nước, là thực tế thường gặp tại các điểm trường lẻ. Dạy học trong điều kiện ấy, các thầy cô giáo đã kiên trì cắm bản, bám trường, vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ để mang cái chữ đến cho những học sinh vùng cao.
Mỗi lúc rảnh rỗi, thầy giáo Hoàng Văn Ninh, giáo viên Trường Tiểu học Bản Khoang, xã Ngũ Chỉ Sơn lại tranh thủ xuống thôn bản, trò chuyện với bà con trong thôn Kim Ngan. Qua mỗi buổi xuống thôn, những rào cản ban đầu về ngôn ngữ, phong tục tập quán được dần xóa bỏ, thầy giáo Ninh ngày càng gắn bó hơn với thôn nghèo này. Bà con nơi đây cũng đặt nhiều niềm tin vào thầy giáo trẻ khi gửi gắm con em mình tới lớp. "Các thầy cô đến bảo là cho con đi học, tôi cũng đồng ý, vì các con đi học về thì biết chữ, biết múa hát, ngoan hơn nữa. Tôi sẽ cho con đi học đầy đủ", chị Chảo Lở Mẩy, người dân thôn Kim Ngan, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa chia sẻ.
Thầy giáo Hoàng Văn Ninh cũng tâm sự: "Tôi ở đây không phải đi vận động các cháu, mà các phụ huynh ở đây rất là tốt, bố mẹ các em đã chủ động đưa các con em mình đến trường".
Các thầy cô giáo nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học mỗi ngày.
Chính sự yêu thương, tin tưởng của Nhân dân là một động lực lớn cho đội ngũ các thầy cô giáo cắm bản. Từ đó, các thầy cô càng thêm quyết tâm cải thiện điều kiện học với mong muốn các em học sinh tại điểm trường không phải chịu thiệt thòi so với học sinh tại trường chính. Không ít điểm trường lẻ ở cấp mầm non và tiểu học có sân chơi bê tông, có tường rào, có môi trường an toàn, thân thiện. Các thầy cô cũng nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học mỗi ngày. Cô giáo Trần Thị Đóa, giáo viên điểm trường Xi Tan, điểm khó khăn nhất của Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Xé, huyện Văn Bàn nói: "Học sinh ở đây các em thiếu thốn nhiều. Tôi chủ yếu là dùng tranh ảnh thực tế trong sách, cũng liên hệ với các hình ảnh bên ngoài để các em dễ hiểu, nắm bắt bài tốt hơn".
Sau nỗ lực rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, đến nay, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 1.400 điểm trường lẻ. Điều đó đồng nghĩa vẫn còn tới hàng nghìn giáo viên vẫn ngày đêm cắm bản ở những địa bàn còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại cách trở. Các thầy cô tự nguyện lên vùng khó để dạy học cho những em nhỏ vùng cao, bám trụ ở những bản vắng, nỗ lực để gieo chữ, trồng người, cống hiến hết mình cho giáo dục vùng cao.
Bài, ảnh: Thu Hường - Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết