Dạy tiếng Việt cho học sinh mầm non dân tộc thiểu số

21:16 08-02-2023 | :705

Laocaitv.vn - Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số nhằm giúp các em có những kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non; tạo tiền đề cho các bậc học tiếp theo. Thực hiện nội dung này, các trường học của Lào Cai đã có nhiều giải pháp sáng tạo, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

 

Từ vùng thấp lên bản Dao dạy học, khó khăn với cô giáo mầm non Lự Thị Điểm không chỉ là những con đường gập ghềnh hiểm trở, thiếu thốn về cơ sở vật chất mà cả bất đồng ngôn ngữ. Cô giáo người Tày đứng lớp dạy 7 em nhỏ người Dao chưa biết tiếng phổ thông khiến việc dạy học ban đầu gặp không ít khó khăn. "Cô và trẻ lúc đầu còn bất đồng ngôn ngữ, cô nói mà trẻ không hiểu, còn cô thì không biết tiếng của dân tộc Dao trên này, chẳng biết thế nào, cô và trò cứ từ từ dạy nhau, dạy từng chữ một", cô giáo Lự Thị Điểm, giáo viên Trường Mầm non Bản Phùng, thị xã Sa Pa bày tỏ.

100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non của Lào Cai đã được tăng cường tiếng Việt.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ ngay từ bậc mầm non được các trường học triển khai với bằng nhiều cách làm sáng tạo. Việc dạy tiếng Việt lồng ghép khéo léo trong những hoạt động ngoại khóa, hay qua việc xây dựng những góc học tập nhỏ xinh. "Chúng tôi tổ chức các hội thi, trong lớp có các góc, ở đó đồ dùng đồ chơi đều có ghi chú bằng tiếng Việt để trẻ dễ dàng tiếp cận", cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tả Giàng Phìn, thị xã Sa Pa cho biết.

Mới đây, Chính phủ phê duyệt chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030”, trong đó có nội dung Bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên dạy trẻ em người dân tộc thiểu số. Nội dung này cũng đã được ngành Giáo dục Lào Cai chủ động thực hiện nhiều năm học qua, thông qua việc khuyến khích giáo viên mầm non học tiếng dân tộc thiểu số. "Các thầy cô đến các thôn bản tự học, tự tìm hiểu tiếng dân tộc để vận dụng vào dạy học các em ở các lớp đầu. Từ lớp 4 tuổi sẽ bắt đầu tăng cường tiếng Việt", bà Nguyễn Thị Nhạn, Phó Trưởng phòng Giáo dục thị xã Sa Pa nói.

Hết năm 2022, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non của Lào Cai đã được tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Ngoài nỗ lực của nhà trường và các thầy cô giáo thì sự phối hợp, đồng hành của gia đình cũng có ý nghĩa quan trọng, tạo cho các em môi trường rèn luyện tiếng Việt trong gia đình, trong cuộc sống hàng ngày.

Thu Hường – Lương Mạnh

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết