Laocaitv.vn - Thực hiện đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số" giai đoạn 2016 - 2020, trong thời gian qua, các trường mầm non và tiểu học của huyện Si Ma Cai đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ, qua đó, giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập và giao tiếp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Những giờ ngoại khóa đã giúp các em nhỏ Trường Mầm non xã Sán Chải tiếp cận với tiếng Việt theo cách trực quan và dễ hiểu nhất.
Trong khuôn viên nhỏ hẹp của Trường Mầm non xã Sán Chải được bố trí rất nhiều góc học tập nhỏ xinh để các em học sinh mầm non, tùy sở thích và năng lực của mình, sẽ lựa chọn tham gia các góc học tập phù hợp với những nội dung hoạt động. Không chỉ được vui chơi, những giờ ngoại khóa cũng giúp các em nhỏ vùng cao tiếp cận từng bước với tiếng Việt theo cách trực quan và dễ hiểu nhất. "Ví dụ như qua hoạt động vẽ, khi được vẽ chủ đề thực vật, chúng tôi cho các em vẽ bông hoa. Giáo viên cung cấp tên gọi bông hoa bằng tiếng Việt, thì các em sẽ hiểu ngay và cũng nhớ lâu", cô giáo Hà Thị Sông, giáo viên Trường Mầm non xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai chia sẻ.
Việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số không chỉ thực hiện qua những tiết giảng cụ thể mà được các thầy cô giáo vùng cao Si Ma Cai lồng ghép trong rất nhiều hoạt động. Ví dụ như ở Trường Mầm non xã Sán Chải, các dụng cụ học tập, các đồ chơi đều có dán tem, mác, tên bằng tiếng Việt, trang trí lớp học đẹp mắt bằng các chữ cái Quốc ngữ. Còn trong mỗi tiết học, giáo viên chủ yếu nói bằng tiếng Việt thông qua các câu chuyện quen thuộc hấp dẫn. Với sự kiên trì và sáng tạo, các thầy cô đã gặt hái được những trái ngọt đầu tiên.
"Đầu tiên nhiều em nói tiếng địa phương, bây giờ đến 70% các cháu đã nói trôi chảy, biết thưa cô bằng tiếng Việt. Các em tiến bộ rất là tốt", cô giáo Trần Thị Hoa, giáo viên Trường Mầm non xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai cho biết.
Môi trường học tập tiếng Việt cho trẻ được ngành Giáo dục huyện Si Ma Cai quan tâm đầu tư.
Với địa bàn còn nhiều khó khăn như Si Ma Cai, đa phần học sinh là người dân tộc thiểu số thì việc tăng cường tiếng Việt cho các em là rất quan trọng và được ngành Giáo dục quan tâm thực hiện. Đặc biệt, việc huy động nguồn lực để tăng cường tiếng Việt cho trẻ cũng được chú trọng và đạt được hiệu quả.
"Các trường kêu gọi, ủng hộ chia sẻ để xây dựng cảnh quan trường lớp, tạo môi trường học tập tiếng Việt cho trẻ. Môi trường ở đây là cả trong lớp học và ngoài nhà trường, thực hiện ngay từ cấp học mầm non để các em sẵn sàng tâm thế cho các bậc học tiếp theo", bà Lê Thị Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai nói.
Sau 4 năm triển khai thực hiện đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số", giáo dục Lào Cai nói chung và Si Ma Cai nói riêng đã gặt hái được những kết quả khả quan. Qua các đợt khảo sát chất lượng cuối học kỳ và cuối năm học, phần lớn các em học sinh dân tộc thiểu số đều rất mạnh dạn, tự tin giao tiếp, nhiều em còn có thể kể chuyện, đọc thơ, hát, thậm chí các em còn đạt giải trong các cuộc thi tiếng Việt. Những chuyển biến này góp phần quan trọng giúp ngành Giáo dục huyện Si Ma Cai thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra.
Thu Hường – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết