Đưa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vào dạy và học – cách tiếp cận mới nhiều hiệu quả

08:24 12-11-2019 | :2673

Laocaitv.vn - Những năm qua, mô hình trường học gắn với thực tiễn, hay "trường học nông trại" đã không còn xa lạ với nhiều giáo viên, học sinh, đặc biệt các trường khu vực nông thôn, vùng cao, vùng khó khăn ở Lào Cai. Tuy nhiên, tại Trường THPT số 4 Văn Bàn, mô hình này đang được triển khai với một cách hoàn toàn mới. Cũng là vườn rau, ao cá, rừng cây, nhưng cách mà các em học sinh được tiếp cận chính là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Thay vì ngồi trong phòng, các em học sinh được tham gia vào quy trình trồng rau theo phương pháp thủy canh.

Trên thực tế, nhiều năm qua, Trường THPT số 4 Văn Bàn nổi lên là một trong những điểm sáng của ngành Giáo dục Lào Cai về nghiên cứu, tìm tòi, mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy và học. Mạnh dạn bước ra từ phòng học đến với vườn công nghệ, cô giáo Nguyễn Thị Ngọt - bộ môn Sinh học cùng đồng nghiệp của mình hiểu hơn ai hết hiệu quả từ phương pháp giáo dục này đối với học trò. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọt - Trường THPT số 4 Văn Bàn cho biết: "Gắn những kiến thức đã học với thực tiễn và chúng tôi mong muốn thông qua trải nghiệm các mô hình, các em về có thể giúp đỡ gia đình chăn nuôi, trồng trọt. Ví dụ như lý thuyết các em học cần phải bón vôi để cải tạo đất, hay các em chăm sóc cây phù hợp với từng giai đoạn của cây, các em sẽ xuống vườn trực tiếp để chăm sóc, bắt sâu, phòng trừ dịch hại như thế nào... Tôi thấy các em rất là hứng thú".

Mặc dù phần lớn học sinh là con em các dân tộc sinh sống tại khu vực nông thôn. Trước khi đến trường, các em ít nhiều đã tham gia sản xuất cùng gia đình. Tuy nhiên, phương pháp canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì hoàn toàn mới, nên rất hứng thú và bổ ích đối với mỗi học sinh. Em Phạm Thị Kiều Anh – Lớp 11, Trường THPT số 4 Văn Bàn chia sẻ: "Ở nhà thường trồng rau trên đất, sử dụng phân hóa học nhưng đến đây các thầy cô dạy phương pháp mới như trồng thủy canh. Ngoài ra, thầy cô dạy muốn bảo vệ sức khỏe cần bắt sâu hay bón phân hữu cơ, khi mình ăn cảm thấy tốt cho sức khỏe của mình hơn. Nhà trường có mô hình trồng rau giúp cho em có nhiều kiến thức bổ ích, biết trồng, chăm sóc, không sử dụng thuốc trừ sâu. Đối với em những kiến thức này rất bổ ích".

Qua những tiếp cận thực tế sẽ giúp định hướng nghề nghiệp sau tốt nghiệp THPT cho các em học sinh.

Từ mô hình trường học nông trại cách đây ít năm, đến nay, Trường THPT số 4 Văn Bàn đã tiến thêm một bước dài. Hiện tại, nhà trường đã xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu, như: Mô hình trồng rau công nghệ cao trong nhà lưới; mô hình nuôi thủy sản, nuôi gia cầm, thủy cầm bằng phương pháp hữu cơ; mô hình trồng rừng gắn với giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Thầy giáo Lục Cao Cường – Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 4 Văn Bàn cho biết: "Năm học 2019 - 2020 nhà trường xác định dạy học qua mô hình là nhiệm vụ trọng tâm, không những giúp cho các em kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp mà ở đây việc học sẽ gắn lý thuyết với thực tiễn. Qua đây thấy rằng định hướng nghề nghiệp sau tốt nghiệp THPT khá rõ nét. Ví dụ các em học những nghề gắn với việc học tại trường, một số em ko có điều kiện học nghề thì trở về địa phương, ứng dụng những lý thuyết đã học vào cuộc sống".

Mặc dù còn sơ khai, nên các mô hình bước đầu mới dừng ở việc cải thiện bữa ăn, đảm bảo sức khỏe cho học trò. Nhưng giáo dục ý thức trách nhiệm, quy trình sản xuất an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, đặc biệt là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp cho học sinh mới là mục tiêu sâu xa mà Trường THPT số 4 Văn Bàn hướng tới.

Lê Liên - Trần Tuấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết