Hoàn thổ sau khai thác mỏ: Những vấn đề đặt ra

20:10 03-05-2022 | :350

Laocaitv.vn - Hoàn thổ là nghĩa vụ bắt buộc của các đơn vị, doanh nghiệp sau khi kết thúc hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, trong thực tế, việc hoàn thổ, phục hồi lại môi trường sinh thái tại một số mỏ chỉ mang tính chất đối phó. Đặc biệt là các mỏ khai thác đá, quặng, từ đó tiềm ẩn gây nguy cơ sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Giấy phép khai thác mỏ đá thôn Nậm Tang, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng đã hết hạn và UBND tỉnh cũng đã có quyết định số 3289 ngày 10/9/2021 về việc đóng cửa mỏ với diện tích khu vực khai thác 2,58 ha. Cũng theo quyết định này thì điểm mỏ phải hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường… Tuy nhiên, mỏ đá này mới chỉ dừng khai thác, còn việc cải tạo, phục hồi môi trường vẫn còn nhiều bộn bề.

Ông Đoàn Văn Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Minh Đức cho biết: "Công ty đang đưa tất cả hệ thống về trạng thái an toàn, còn để cải tạo phục hồi môi trường thì không chỉ riêng Công ty Minh Đức mà các công ty khác cũng không thể trồng cây được, bởi nền đá thì không thể lấp đất vào trồng cây được. Đấy là một thực trạng khó khăn cho tất cả các doanh nghiệp khai thác đá".

Mỏ đá thôn Nậm Tang, xã Bản Cầm đã dừng khai thác nhưng chưa hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường.

Còn tại mỏ đá thuộc Công ty Cổ phần LICOGLI 14, thôn Cán Hồ, xã Phong Niên, huyên Bảo Thắng. Tuy đã bị rút giấy phép khai thác từ tháng 6/2016, và theo quy định của luật khoáng sản thì đơn vị phải có đề án và làm các thủ tục đóng cửa mỏ, trả lại mặt bằng môi trường và đất đai theo quy định. Nhưng tới nay, đơn vị này không tiến hành đóng cửa mỏ theo quy định, gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương.

Ông Phạm Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng cho biết: "Đối với chính quyền địa phương, đến giờ phút này vẫn chưa nhận được một văn bản hoặc thông tin gì về việc dừng hoạt động của đơn vị này. Trong thời gian vừa qua cũng xảy ra những vấn đề trộm cắp tài sản tại đơn vị này. Tôi cũng đã phải chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với công an huyện để giải quyết vấn đề liên quan đến trộm cắp, mất an ninh trật tự".

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 35 khu vực mỏ khoáng sản đã hết thời hạn khai thác; trong đó, 4 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, 31 giấy phép do UBND tỉnh cấp phép. Nhiều mỏ còn hết hạn khai thác từ nhiều năm nay nhưng doanh nghiệp gần như bỏ mặc, khiến cho công tác quản lý Nhà nước tại cơ sở gặp nhiều khó khăn.

Ông Vũ Đình Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cho biết thêm: "Chúng tôi đã đôn đốc rất nhiều lần. Trong trường hợp đối với các mỏ không đủ điều kiện khai thác, chúng tôi sẽ làm thủ tục đóng cửa mỏ và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý".

Nhiều mỏ đá hết hạn khai thác từ lâu, nhưng môi trường không được doanh nghiệp cải tạo. 

Khoản 1, Điều 2, Quyết định 18 ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: “Cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái (đất, nước, không khí, cảnh quan thiên nhiên, thảm thực vật,...) tại khu vực khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường và phục vụ các mục đích có lợi cho con người”…

Vậy nhưng, vẫn còn đó những đơn vị, doanh nghiệp không nghiêm túc triển khai, xin gia hạn hoặc chuyển đổi.

Tiến Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết