Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp - Cần cách quản lý phù hợp

07:54 05-10-2020 | :1408

Laocaitv.vn - Ngày 01/11, Thông tư 32 ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực. Vậy nhưng, những điểm mới trong Thông tư này đã và đang đón nhận sự quan tâm từ dư luận. Đặc biệt, thông tin liên quan việc sử dụng điện thoại di động của học sinh trong môi trường học đường đang ghi nhận những ý kiến trái chiều. Những ý kiến dưới đây sẽ giúp quý độc giả và các bạn có thêm một hướng nhìn về vấn đề này.

Để việc sử dụng điện thoại trong trường học hiệu quả thì mỗi trường cần có những quy định cụ thể.

Tiết học Ngoại ngữ, Trường THPT số 2 Bảo Thắng, cùng với sách giáo khoa thì điện thoại thông minh được giáo viên phụ trách bộ môn cho phép học sinh sử dụng như một phương tiện để học tập. Những ứng dụng liên quan đến bài học đã được giáo viên hướng dẫn cài đặt từ trước và trong thời điểm phù hợp của tiết học chúng sẽ phát huy hiệu quả tích cực.

“App trên điện thoại sẽ bổ sung thêm các kiến thức bên ngoài để chúng em tiếp thu bài học nhanh hơn, không khí lớp học thì rất sôi nổi, vui vẻ”, em Đỗ Nhật Quyên, học sinh lớp 11A7, Trường THPT số 2 Bảo Thắng chia sẻ.

“Việc sử dụng điện thoại có rất nhiều lợi ích, thu hút học sinh vào bộ môn, vì trong bài giảng lồng ghép các ví dụ cụ thể sinh động, làm cho bài giảng thú vị hơn. Học sinh cũng có cơ hội làm bài, học tập trực tiếp, giảm khoảng cách vùng miền, thông qua việc trao đổi với học sinh của các trường khác dưới sự hướng dẫn của giáo viên”, cô giáo Mai Thị Bích Vượng, Giáo viên Trường THPT số 2 Bảo Thắng chia sẻ.

Không chỉ riêng với bộ môn Ngoại ngữ mà nhiều giờ học của học sinh Trường THPT số 2 Bảo Thắng đều diễn ra khá đặc biệt như vậy. Thay vì cách học thông thường thì dưới sự hướng dẫn và cho phép của các thầy cô, các em được sử dụng điện thoại nhằm thực hiện thao tác tra cứu thông tin bài học theo nhóm. Thầy cô sẽ đóng vai trò là người giới thiệu địa chỉ nguồn học để học sinh có thể truy cập vào, đồng thời hướng dẫn học trò cách đọc, cách tìm kiếm, sàng lọc kiến thức, từ đó khuyến khích sự sáng tạo của học sinh.

“Như môn học của tôi với các cơ chế sinh học khó hình dung, nếu được sử dụng điện thoại tôi có thể cho phép học sinh tra cứu được luôn, không phải chờ đến khi về nhà mới tìm hiểu. Tôi rất ủng hộ Thông tư này”, cô giáo Hoàng Thị Thúy Mai, Giáo viên Trường THPT số 2 Bảo Thắng chia sẻ.

Trường THPT số 2 Bảo Thắng là điểm sáng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Trường THPT số 2 Bảo Thắng là một trong những cơ sở giáo dục rất tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Ngay trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19, việc học sinh sử dụng máy tính, điện thoại để tham gia các tiết học trực tuyến được thực hiện từ rất sớm và hết sức hiệu quả. Điện thoại được thầy trò nhà trường coi là một cuốn sách điện tử, phục vụ trong việc học tập và cả rèn luyện kỹ năng sống. Chính vì vậy, đa phần các thầy cô giáo và học sinh ủng hộ quy định mới trong Thông tư 32. Tuy nhiên, sẽ vẫn có những nỗi lo khi cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học như các em sao nhãng học bài, chơi game, chụp hình thầy cô khi giảng… Đó là những mặt trái có thể xảy ra nếu thiếu đi sự giám sát chặt chẽ của giáo viên và thiếu các bộ quy tắc về văn hoá sử dụng không gian mạng.

“Chúng tôi ủng hộ, nhưng mỗi cán bộ giáo viên cần phải nắm chắc quy định. Tùy từng tiết học, môn học, giờ học, có sự cho phép của giáo viên các em mới được sử dụng chứ không phải học sinh được sử dụng tự do. Chúng tôi đã có quy định rất rõ ràng và mỗi học sinh cũng phải nắm được, trở thành ý thức tự giác”, Thầy giáo Phạm Thanh Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bảo Thắng cho biết.

Chắc chắn, vẫn sẽ còn những ý kiến đa chiều về vấn đề này, thiết nghĩ, cho đến ngày Thông tư 32 có hiệu lực, các trường cần có sự định hướng cụ thể với giáo viên, đưa ra những quy định để siết chặt việc sử dụng điện thoại di động ngay cả trong mục đích học tập. Nếu bảo đảm được độ an toàn với thông tin truy cập từ chiếc điện thoại thông minh mà học sinh mang đến giờ học, khi đó, chiếc điện thoại di động mới phát huy thế mạnh hỗ trợ tra cứu thông tin, bổ sung kiến thức.

Thu Hường - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết