Laocaitv.vn - Sau hơn 10 ngày kể từ khi dịch tả lợn Châu Phi chính thức xuất hiện tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, mặc dù tỉnh Lào Cai đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và triển khai nhiều giải pháp đối phó, song đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Toàn tỉnh đã xuất hiện thêm nhiều ổ dịch tả lợn Châu Phi.
Tỉnh Lào Cai đang nỗ lực thực hiện các biện pháp chống dịch
Chính thức xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào ngày 11/5 tại thôn Na Lin, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, đến thời điểm này, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 52 hộ, thuộc 14 thôn, tổ của 06 xã, phường thuộc các huyện Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên và thành Phố Lào Cai. Tổng đàn lợn phải tiêu hủy đến chiều ngày 21/5 là 546 con, với tổng trọng lượng gần 33 tấn.
Cụ thể từ ngày 11/5 – 21/5, dịch tả lợn Châu phi đã xuất hiện trên đàn lợn 369 con của 49 hộ dân, thuộc 11 thôn của 02 xã Bản Lầu và Lùng Vai, huyện Mường Khương từ ngày 18/5 – 20/5, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên đàn lợn 50 con của 1 hộ dân ở thôn Liên Hà 7, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên; từ ngày 19/5 – 21/5, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên dàn lợn 125 con của 1 hộ dân thuộc tổ 5, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng; ngày 19/5, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên đàn lợn của 2 hộ gia đình ở phường Pom Hán, thành phố Lào Cai khiến 2/3 đàn lợn của các gia đình này phải tiêu hủy, tổng trọng lượng khoảng 500 kg.
Trước tình hình trên, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo ngành nông Nghiệp và phát triển nông thôn, chính quyền các huyện, thành phố, các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp khống chế, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đến thời điểm hiện tại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào cai đã cấp 2.850 lít hóa chất, 60 tấn vôi bột và hàng chục bộ quần áo bảo hộ sinh học, găng tay, khẩu trang và kính bảo hộ cho 2 huyện Bảo Yên và Mường Khương để thực hiện công tác phòng chống dịch. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo các địa phương trong vùng dịch cần tập trung tối đa nguồn nhân lực dập dịch tại chỗ, chủ động thống kê thiệt hại, tiếu hủy triệt để lợn bệnh, tiến hành thường xuyên và liên tục công tác khử trùng tiêu độc, tuyệt đối không vận chuyển lợn, các sản phẩm từ thịt lợn ra vào vùng dịch, nhằm hạn chế tối đa sự lây lây lan của dịch tả lợn Châu phi tới các địa bàn khác, gây thiệt hại lớn cho các hộ chăn nuôi.
Virus tả lợn Châu Phi không lây sang người, vì vậy người dân không nên quay lưng với thịt lợn.
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo: Hiện dịch tả lợn Châu Phi vẫn chưa có vắc xin phòng chữa, qua nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, virus tả lợn Châu Phi không lây sang người, do vậy, các hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh và người tiêu dùng cần bình tĩnh nắm bắt thông tin, không quay lưng với thịt lợn. Sản phẩm thịt lợn chưa bị nhiễm bệnh trong vùng dịch và thịt lợn tại các vùng chăn nuôi chưa có dịch có thể sử dụng được.
Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe, người dân cần chú ý, chỉ ăn những đồ ăn đun sôi, chế biến kỹ, tuyệt đối không ăn tiết canh, nem chua, nem thính... Những món ăn chưa được nấu chín có nguồn gốc từ thịt lợn. Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: "Dịch tả lợn Châu Phi chỉ gây bệnh trên đàn lợn, vì vậy việc sử dụng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn rõ nguồn gốc sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Đối với đàn lợn trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong các vùng an toàn dịch bệnh đã được Chi cục chăn nuôi thú ý tỉnh giám sát chặt chẽ, đảm bảo đủ điều kiện cung cấp ra thị trường. Chúng tôi cũng khuyến cáo nhân dân mua thịt lợn ở những cơ sở có dấu kiểm dịch và xác nhận của thú y địa phương".
An Hồng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết