Laocaitv.vn - Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát và diễn biến rất phức tạp ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Lào Cai chưa có ca bệnh, nhưng là tỉnh có mật độ người dân giao thương đi lại tương đối lớn nên để chủ động phòng chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu, chỉ đạo và triển khai nhiều biện pháp phòng dịch.
Để hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết cho người dân trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động người dân triển khai công tác vệ sinh môi trường; đồng thời, tăng cường giám sát các trường hợp có nguy cơ cao khi đi về từ vùng dịch.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật bắt muỗi để điều tra véc-tơ truyền bệnh. (Ảnh: Hồng Loan)
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã triển khai hoạt động điều tra véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại một số địa bàn trọng điểm như: Huyện Bảo Thắng, Bảo Yên và thành phố Lào Cai. Qua điều tra cho thấy, không phát hiện véc-tơ truyền bệnh chính (muỗi Aedes Aegypty), nhưng đều phát hiện có véc-tơ phụ (Aedes Albopictus). Chỉ số mật độ muỗi cái Aedes Alpopictus ở các nơi điều tra đều thấp dưới ngưỡng yếu tố nguy cơ cao (dưới 0,5 con/nhà).
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh tại các thành phố lớn, đặc biệt tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, đồng thời điều kiện thời tiết cũng thuận lợi cho sinh trưởng, gia tăng số lượng muỗi truyền bệnh, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Thường xuyên diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy; thau rửa các dụng cụ chứa nước; mắc màn khi ngủ cả ngày lẫn đêm...; tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi-rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi-rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở các miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Triệu chứng bệnh
Ở thể bệnh nhẹ bệnh nhân có triệu chứng:
- Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt. - Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. - Có thể có nổi mẩn, phát ban.
Ở thể bệnh nặng: Bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:
- Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). - Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Khi bị sốt hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
|
Hồng Loan
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết