Laocaitv.vn - “Phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt... tham gia ngày càng nhiều hơn công việc xã hội, bình đẳng trên mọi lĩnh vực, đóng góp ngày càng lớn hơn cho xã hội và gia đình”. Đây là một trong những mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 11 ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị. Sau 10 năm thực hiện nghị quyết, Lào Cai đã đạt được kết quả quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ.
Những năm trước phụ nữ người dân tộc Hà Nhì phải làm các công việc nặng nhọc trong nhà.
10 năm trước, những phụ nữ người dân tộc Hà Nhì phải mang, vác, gồng gánh nặng nhọc... phải cuốc đất bằng tay nếu nhà nào không có trâu cày ruộng, thậm chí trong ngày mưa tuyết lạnh giá họ vẫn phải đi lấy củi về sưởi ấm cho gia đình. Trong khi đó những người chồng lại đang ở nhà, tụ tập bên mâm rượu hoặc trông con. Ông Lý Nhùy Giờ, xã Ý Tý, huyện Bát Xát cho biết: “Đi lấy củi thường là việc của đàn bà, theo phong tục ở địa phương thế mà. Đàn ông ít khi đi lấy củi lắm, cái này đã quen rồi, từ trước đến nay vẫn thế”.
Không chỉ với chị em phụ nữ Hà Nhì mà còn là thực trạng chung với chị em của đồng bào nhiều dân tộc khác ở khu vực vùng cao Lào Cai gần 10 năm về trước. Tình trạng bất bình đẳng giới diễn ra phức tạp như vậy, đã khiến người phụ nữ bị hạn chế vị thế, không có điều kiện để phát huy năng lực sở trường của bản thân. Thậm chí chính từ bất bình đằng giới mà không ít chị em đã bị lạm dụng, bị bạo hành bằng nhiều hình thức, hạnh phúc trong mỗi gia đình bởi vậy cũng hết sức mong manh.
Còn đàn ông người dân tộc Hà Nhì thì chỉ ở nhà, tụ tập bên mâm rượu hoặc trông con.
Trước thực trạng đó, thời gian qua Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình hành động vì sự tiến bộ phụ nữ. Trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời có nhiều giải pháp giúp chị em phụ nữ nghèo, phụ nữ là người dân tộc thiểu số ở các thôn, bản vùng cao, vùng khó khăn được học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, giúp họ tự tin hơn trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức ký kết chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai với Liên minh hợp tác xã để phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, nòng cốt là xây dựng các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Tổ chức các lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, tập huấn kiến thức về lồng ghép giới trong phát triển kinh tế xã hội và du lịch cộng đồng. Phối hợp với Trung tâm sáng kiến cộng đồng tiến hành khảo sát, giúp chị em có thêm những sản phẩm du lịch mới, cũng như những sáng kiến mới trong kinh doanh. Cùng với việc thành lập các tổ phụ nữ liên kết sản xuất, chúng tôi đã hỗ trợ cho phụ nữ vay vốn để phát triển kinh tế”.
Với những cách làm sáng tạo và kiên trì như vậy, trình độ, nhận thức của chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số đã được nâng lên đáng kể, không chỉ phát huy tốt năng lực, sở trường, khẳng định vị thế trong phát triển kinh tế xã hội mà còn làm thay đổi căn bản tư duy, cách nhìn nhận trong giới mày dâu, là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình hạnh phúc. Anh Hoàng Văn Hương, bản 2 Vài Siêu, xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên cho biết: “Bản thân tôi thấy, các công việc của gia đình không nên dồn hết cho chị em phụ nữ, mình cần phải sản sẻ mọi công việc nặng nhẹ, việc nhẹ có thể để chị em làm, mình sẽ làm những việc nặng nhọc hơn. Các cộng việc như nấu ăn hay dạy dỗ con cái mình cũng nên chia sẻ để cùng nhau làm cho nó nhàn nhã, lúc xong công việc có thể ngồi tâm sự, trao đổi với nhau”.
Nhờ có sự tích cực tuyên truyền của các cấp, các ngành nên nhận thức của Nhân dân đã được nâng lên.
Sự tiến bộ, đóng góp của chị em cũng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao và giao đảm trách nhiều vị trí quan trọng trong cấp ủy, chính quyền các cấp. Cụ thể nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy đảng ở cấp xã đạt gần 21%, cấp huyện, thành phố đạt trên 21%, còn ở cấp tỉnh đạt tới 15,69%. Chị em phụ nữ Hà Nhì và nhiều dân tộc khác là những đại biểu chính thức tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025, một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của tỉnh. Đây được xem là một trong những minh chứng điển hình về sự bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ mà Lào Cai đã đạt được trong thời gian qua.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết