Lúa chín vàng trên những cánh đồng ở Lào Cai.
Những đoàn người gồng gánh, du canh, du cư, nay đây mai đó là hình ảnh mà chúng ta rất dễ gặp và cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hộ đói nghèo của Lào Cai cao trong những năm đầu tái lập tỉnh. Nhận thức rõ như vậy nên ngay trong kỳ Đại hội đầu tiên, Đảng bộ tỉnh đã nghị quyết tập trung cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Ông Đặng Quốc Lộng, nguyên Giám đốc Sở Nông, Lâm nghiệp (1991-1995), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai (1995 - 2004) cho biết: "Chúng tôi đặt ra phương hướng muốn giải quyết đói nghèo thì phải tăng được sản lượng lương thực nên giao trách nhiệm cho Trung tâm Giống của tỉnh thực hiện dần dần cấy giống lúa lai. Các đồng chí lãnh đạo trung ương lên thăm Lào Cai thấy cách làm của Lào Cai rất sáng tạo".
Từ sau năm 2000 hàng loạt các giải pháp tiếp tục được tỉnh triển khai như lồng ghép các chương trình đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ cây con giống, hỗ trợ các gia đình nghèo làm nhà ở, triển khai nhiều chương trình ưu đãi về tín dụng cho người dân vay vốn phát triển sản xuất... Hình thức hỗ trợ của tỉnh cũng có những thay đổi để từng bước xoá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khơi dậy quyết tâm thoát nghèo của các hộ gia đình. Ông Trịnh Quang Chinh, nguyên Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai (2002 – 2013) cho biết: "Sở đã tham mưu cho tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách về việc nâng cao ý thức, nhận thức, tự mình vươn lên, khắc phục tư tưởng ỷ nại, trông chờ. Trang bị cho người dân những kiến thức trong cuộc sống làm ăn, tránh được những rủi ro".
Cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi.
Một trong những giải pháp căn cơ và tạo ra sự bền vững trong kết quả giảm nghèo được tỉnh kiên trì triển khai trong nhiều năm qua đó là đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao nhận thức và trình độ cho người lao động. Đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo ra một lượng lớn việc làm và thu nhập ổn định cho Nhân dân. Anh Vi Văn Đạt, thôn Phời 2, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai chia sẻ: "Từ khi có dự án tôi được tuyển dụng và đưa đi đào tạo trong 2 năm. Cùng với sự quan tâm chỉ bảo của các anh chị đi trước tôi đã nắm vững và làm được khá nhiều việc. Vào làm việc tại nhà máy thì lương ổn định hơn, ngoài ra tôi còn được hưởng đẩy đủ chể độ chính sách của Nhà nước".
Với hàng loạt giải pháp được triển khai một cách đồng bộ, Lào Cai đã giải quyết dứt điểm tình trạng hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo hiện cũng chỉ còn trên 8%. Kết quả ấn tượng này đã giúp Lào Cai có thêm những kinh nghiệm quý trong nhiệm vụ giảm nghèo. Bà Đinh Thị Hưng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết: "Phải có sự nỗ lực từ chính các địa phương, bản thân các hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng phải ý thức được vấn đề của gia đình mình để vươn lên. Phải xây dựng được các mô hình, các tổ, nhóm hợp tác, các tổ sản xuất để liên doanh liên kết, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng thời dạy cho hộ nghèo biết cách làm ăn, biết cách tổ chức cuộc sống gia đình".
Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Lào Cai.
Với kinh nghiệm, bản lĩnh vượt khó, đặc biệt là truyền thống đoàn kết suốt 30 năm qua, người dân Lào Cai luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ, cùng quyết tâm để có thêm những thành công mới trong nhiệm vụ giảm nghèo, để Lào Cai thực sự trở thành địa phương phát triển ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc./.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết