Liệu tăng giá dịch vụ y tế thì chất lượng dịch vụ có tăng không?

09:52 10-09-2019 | :528

Laocaitv.vn - Từ ngày 20/8/2019, Thông tư số 13/2019 và Thông tư số 14/2019 của Bộ Y tế về “Thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các bệnh viện, bao gồm giá khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế và ngoài phạm vi bảo hiểm y tế”. Trong đó giá khám bệnh tại các bệnh viện; giá một số dịch vụ khác ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế; giá dịch vụ ngày giường bệnh và giá một số dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm khác…, đều có sự tăng lên đáng kể so với trước. Vậy trước sự điều chỉnh của 02 thông tư này, người dân có suy nghĩ như thế nào và có mong muốn gì?

Tăng các dịch vụ y tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh không tham gia bảo hiểm y tế.

Theo Thông tư số 13/2019 và Thông tư số 14/2019 của Bộ Y tế về “Thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các bệnh viện, bao gồm giá khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế và ngoài phạm vi bảo hiểm y tế, giá khám bệnh tại các bệnh viện được điều chỉnh từ ngày 20/8/2019 như sau: Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: 38.700 đồng, tăng 1.700 đồng so với trước; bệnh viện hạng II: 34.500 đồng, tăng 1.400 đồng so với trước; bệnh viện hạng III: 30.500 đồng, tăng 1.500 đồng so với trước; bệnh viện hạng IV, trạm y tế xã: 27.500 đồng, tăng 1.500 đồng so với trước. Đồng thời, một số dịch vụ khác ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế cũng được điều chỉnh tăng, như: Giá dịch vụ khám cấp giấy chứng thương, giám định y khoa; khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe; khám sức khỏe định kỳ (không kể xét nghiệm, X-quang) tăng lên 160.000 đồng tăng 15.000 đồng so với trước. Giá khám sức khỏe toàn diện cho người đi xuất khẩu lao động là 450.000 đồng, tăng 30.000 đồng so với trước. Cùng với đó, thông tư còn quy định tăng giá dịch vụ ngày giường bệnh và giá một số dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm khác. Tuy nhiên trên thực tế người dân đến khám, chữa bệnh chưa thực sự quan tâm nhiều đến sự tăng giá này, vì đa phần người dân đến khám, chữa bệnh đều có bảo hiểm y tế. Như vậy, trên thực tế, bệnh nhân vẫn chỉ phải chi trả 20% trong tổng số kinh phí khám chữa bệnh, 80% còn lại đã có Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, nên giá có tăng cũng không ảnh hưởng nhiều. Ông Bùi Văn Bảo, phường Bình Minh, thành phố Lào Cai cho biết: "Giá dịch vụ y tế tăng thì tôi đã có bảo hiểm y tế chi trả nên cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Tôi cũng mong muốn nhà nước tăng giá các dịch vụ y tế thì cũng cần phải tăng cả chất lượng các dịch vụ y tế lên nữa. Vì chúng tôi phải trả phí cao hơn thì dịch vụ chất lượng phải được đảm bảo hơn chứ".

Người dân kỳ vọng tăng dịch vụ y tế song hành với nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, không ít người dân cũng tỏ ra khá lo lắng khi giá dịch vụ y tế tăng. Anh Trần Hùng Cường, ở xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng chia sẻ: "Theo tôi giá dịch vụ y tế tăng, mức chi trả 20% cũng sẽ tăng lên, thì chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Với một số bệnh quan trọng phải về tuyến trung ương mà không thuộc diện cấp cứu giá dịch vụ cao như thế sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng chi trả của người bệnh".

Những quy định về mức giá trong thông tư này chắc chắn sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới một bộ phận không nhỏ nhân dân, nhất là những người dân chưa tham gia bảo hiểm y tế. Ngành bảo hiểm Lào Cai cần tích cực tuyên truyền để người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách vừa giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình khi không may ốm đau, bệnh tật phải điều trị tại các cơ sở y tế. Hệ thống y tế các cấp cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng tốt hơn sự kỳ vọng của người dân.

Mai Huệ


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết