Linh hoạt trong tăng cường ngôn ngữ cho học sinh dân tộc thiểu số

16:47 11-12-2023 | :246

Laocaitv.vn - Học sinh vừa giỏi tiếng mẹ đẻ, vừa giỏi tiếng Việt và cũng có thể học tốt tiếng Anh, đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018... Đây là một nhiệm vụ được ngành Giáo dục Lào Cai đặc biệt quan tâm. Do đặc thù, mỗi cơ sở giáo dục có cách làm linh hoạt, sáng tạo, để các em phát triển ngôn ngữ một cách toàn diện, từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục. Phóng sự thực hiện tại một trường học vùng cao của thành phố Lào Cai.

Hoạt động thể dục giữa giờ của Trường Tiểu học Hợp Thành luôn có 2 phần: bài hát bản sắc dân tộc và một bài nhạc nước ngoài. Không phải sự lựa chọn ngẫu nhiên, mà đây là giải pháp vừa tăng cường ngôn ngữ học sinh, vừa bảo tồn văn hóa dân tộc. "Chúng tôi luôn kết hợp tiếng Việt với tiếng Anh. Ví dụ như các thầy, cô giáo vào lớp thì các em có thể chào bằng tiếng Anh, và các khẩu hiệu trong trường thì chúng tôi cũng dạy các em hiểu rõ ý nghĩa của những khẩu hiệu như thế", cô giáo Nguyễn Khánh Linh, Trường Tiểu học Hợp Thành, thành phố Lào Cai cho biết.

Học sinh Trường Tiểu học Hợp Thành tham gia chăm sóc vườn rau xanh.

Khoảng 95% học sinh của Trường Tiểu học Hợp Thành là dân tộc thiểu số. Để các em thạo tiếng Việt, nhà trường có những giải pháp sáng tạo. Như mô hình trải nghiệm, học sinh được chăm sóc con vật, trồng rau cùng các thầy cô, tìm hiểu thêm về cuộc sống. Ngôn ngữ tiếng Việt được tăng cường cho học sinh một cách tự nhiên như thế. "Cô giáo em đã cho chúng em làm một bài văn tả về cây cỏ, hoa lá, tả về cảnh vật. Em đã tả về việc chăm sóc những hàng rau xanh và có những chú chim", em Phạm Quỳnh Anh, học sinh Trường Tiểu học Hợp Thành, thành phố Lào Cai bày tỏ.

Riêng với tăng cường ngoại ngữ, ngay từ lớp 1, học sinh dân tộc Tày, Giáy, Xa Phó... đã được học tiếng Anh. Các dụng cụ trực quan, trò chơi sáng tạo được thầy cô vận dụng thường xuyên, giúp trẻ học ngoại ngữ dễ dàng hơn. "Tôi cũng cố gắng hết sức mình để thiết kế các hoạt động, tạo hứng thú cho các em. Ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy để bài học được hấp dẫn và thu hút các em học sinh hơn", cô giáo Nguyễn Thị Bình, giáo viên Trường Tiểu học Hợp Thành, thành phố Lào Cai cho hay.

Mỗi cơ sở giáo dục đều có cách làm linh hoạt để các em phát triển ngôn ngữ một cách toàn diện.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hợp Thành, thành phố Lào Cai nói: "Các em cũng sinh hoạt các câu lạc bộ song song, như: MC tiếng Việt và tiếng Anh, thi hùng biện tiếng Anh, giới thiệu về nhà trường, về văn hóa, sở thích; tăng cường văn hóa trong câu lạc bộ, ví dụ như kể chuyện tiếng Việt".

100% học sinh lớp 1 người dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt ngay trước khi vào lớp 1; 76.2% học sinh Tiểu học của Lào Cai được học ngoại ngữ. Vừa giỏi tiếng Việt, vừa giỏi tiếng mẹ đẻ, lại biết ngoại ngữ giúp các em mạnh dạn, tự tin, xóa đi rào cản ngôn ngữ, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng với yêu cầu chương trình mới cũng như xu thế giáo dục hội nhập.

Thu Hường – Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết