Một tập đoàn có thể bị truất vai nhà thầu Dự án đường nối cao tốc

15:47 28-05-2020 | :898

Laocaitv.vn - Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc đứng trước nguy cơ bị truất vai nhà thầu trong Dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với khu du lịch Sa Pa.

Một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc đứng trước nguy cơ bị truất vai nhà thầu trong Dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với khu du lịch Sa Pa.

Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai vừa có văn bản gửi Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Lào Cai - Sa Pa (chủ đầu tư Dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với khu du lịch Sa Pa) về việc thay thế nhà thầu thi công gói XL02.

Theo đó, XL02 là gói thầu thi công xây lắp Tỉnh lộ 155, đoạn Km 6+760 đến Km 9+362,41, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc là đơn vị thi công. Tuy nhiên, quá trình thi công gói thầu triển khai với tiến độ chậm. Ngay cả khi cơ quan có thẩm quyền đôn đốc, nhắc nhở nhưng vẫn ít có chuyển biến.

mot tap doan co the bi truat vai nha thau du an duong noi cao toc noi bai - lao cai hinh 1
 
Cầu Móng Sến - một mắt xích quan trọng của dự án được khởi công hồi đầu năm 2020.

“Ngày 20/5/2020, Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng đánh giá lần cuối năng lực thực tế của nhà thầu huy động tại công trường thì hầu hết máy móc, thiết bị đều chưa được đăng kiểm và bị hư hỏng không hoạt động, nhân lực cho gói thầu chỉ có 9 người” - văn bản nêu.

Căn cứ kết quả kiểm tra, đối chiếu với các quy định về đấu thầu, chỉ định thầu, quy chế lựa chọn nhà thầu, Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai thông báo: “Yêu cầu chủ đầu tư thay thế nhà thầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc, khẩn trương lựa chọn nhà thầu khác có năng lực để tiến hành thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Nội dung này phải hoàn thành trước ngày 10/6/2020”.

Văn bản của Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng tỉnh Lào Cai viện dẫn Quyết định 1215/QĐ-TTg ngày 20/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, yêu cầu phải cơ bản hoàn thành trong năm 2020. Dự án cũng là công trình trọng điểm phải hoàn thành trong năm 2020 để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI.

Qua tìm hiểu của phóng viên, mặc dù theo Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 20/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thì giai đoạn 1 của Dự án (2018 - 2020), vốn ngân sách Trung ương sẽ bố trí 500 tỷ đồng, nhưng mãi đến đầu năm 2020 mới giao về cho dự án được 130 tỷ đồng, bắt buộc chủ đầu tư phải làm thủ tục xin gia hạn dự án tới 31/12/2021.

Vào năm tới, nếu 370 tỷ đồng còn lại được giao nốt thì dự án có thể hoàn thành trong năm 2021. Như vậy, dù thế nào mốc hoàn thành trong năm 2020 căn cứ Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai cũng khó thực hiện được.

Khó khăn về vốn không chỉ tác động đến tổng thể tiến độ dự án mà còn tác động trực tiếp tới các gói thầu, nhất là các gói sử dụng vốn ngân sách như gói XL02 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc đảm nhận.

Thêm vào đó, đối với dự án áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), phần vốn nhà nước tham gia dự án chỉ có thể thanh toán theo khối lượng được nghiệm thu chứ không được tạm ứng vốn cho nhà thầu thi công (quy định tại Thông tư 88/2018/TT-BTC ngày 28/9/2018 của Bộ Tài chính).

Các nhà thầu thi công trong đó có Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc phải tự bỏ hoàn toàn tiền túi ra triển khai thi công trước khi được Chủ đầu tư nghiệm thu và thanh toán vốn. Ngay cả khi vốn nhà nước được giao cho dự án rồi thì việc giải ngân nguồn vốn này cũng đang nảy sinh những vướng mắc do các bên liên quan chưa nhất quán được phương thức và cơ chế giải ngân.

Chưa kể dịch bệnh Covid-19 hoành hành trong thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch và tiến độ triển khai thi công của các nhà thầu tại dự án.

Liên hệ với Chủ đầu tư dự án, ông Phạm Hồng Thoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Lào Cai - Sa Pa cho biết, xét một cách khách quan thì các nhà thầu thi công các gói thầu thuộc phần vốn ngân sách nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn khiến tiến độ bị ảnh hưởng, nhất là khó khăn trong việc nhà thầu phải tự bố trí vốn để thi công trong khi đó cơ chế giải ngân nguồn vốn ngân sách chưa rõ ràng.

Mặc dù vậy, riêng đối với kế hoạch mà Chủ đầu tư đặt ra cho dự án là cố gắng hoàn thành phần nền đường và các công trình trên tuyến trong năm 2020 thì hoàn toàn có thể đảm bảo được.

“Dù thế nào đi chăng nữa thì chúng tôi cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ và đôn đốc các nhà thầu thi công cố gắng khắc phục mọi khó khăn, tập trung mọi nguồn lực để nỗ lực thực hiện triển khai thi công quyết liệt hơn; đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn” - ông Phạm Hồng Thoan nói./.

Theo An Kiên/VOV-Tây Bắc


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết