Mường Khương - 30 năm vững vàng vùng đất thép

18:10 22-09-2021 | :1306

Laocaitv.vn - Sau ngày đất nước được độc lập, Đảng bộ huyện, quân và dân các dân tộc Mường Khương đã anh dũng chiến đấu giải phóng quê hương, trừ gian, tiễu phỉ, tăng gia sản xuất, bảo vệ từng tấc đất biên cương. Đặc biệt là trong 3 thập niên kể từ thời điểm tái lập tỉnh, người Mường Khương, đất Mường Khương đã dần chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, tạo dựng nên một bức tranh trù mật, bình yên nơi biên cương Tổ quốc.

Tự nhiên khắc nghiệt là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cái đói, cái nghèo bao đời đeo đẳng cuộc sống của người dân Mường Khương. Ba mươi năm trước, khi tỉnh Lào Cai được tái lập, Mường Khương phải đối mặt với vô vàn thách thức. "Lúc ấy tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Khương là trên 60%. Có rất nhiều yếu tố không đạt như thu nhập, giao thông, điện đường trường trạm đều rất khó. Trước hết là chúng tôi phải ổn định nhà cửa cho bà con, rồi tìm kiếm các mô hình kinh tế để bà con làm thử nghiệm, để tỷ lệ hộ nghèo giảm dần đi", ông Hoàng Sín Hòa, nguyên Chủ tịch UBND huyện Mường Khương kể lại.

Mô hình trồng quýt đem lại nhiều triển vọng trong phát triển kinh tế cho người dân Mường Khương.

Chương trình 30A và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là hai dấu mốc đáng ghi nhớ, tạo nên những chuyển biến lớn lao cho mảnh đất Mường Khương. Huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng dần thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Như ở thị trấn Mường Khương, xã Tung Chung Phố, hay Tả Ngài Chồ, Lùng Khấu Nhin, hàng trăm hộ dân đã mạnh dạn xoá bỏ những loại cây trồng truyền thống vốn đã gắn bó và nuôi sống họ truyền đời để chuyển sang trồng quýt. "Gia đình tôi trồng quýt chín sớm được 700 cây, một năm thu hoạch được gần 2 tấn, so với trồng lúa, ngô thì tốt hơn 2 - 3 lần, tiền bán quýt giúp được nhiều việc cho gia đình", chị Hoàng Thị Bình, thôn Chúng Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương cho biết.

Từ một địa bàn canh tác nông nghiệp lạc hậu, tự cung, tự cấp trong những năm đầu tái lập tỉnh, đến nay huyện Mường Khương đã phát triển được các vùng nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Toàn huyện hiện có trên 16.800 ha cây trồng hàng hóa, mang lại nguồn thu gần 644 tỷ đồng mỗi năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 28,45 triệu đồng.

Kinh tế phát triển, các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội địa phương như y tế, giáo dục…cũng ngày càng khởi sắc. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới được giữ vững. Với giải pháp đột phá trong giai đoạn tiếp theo, đất thép Mường Khương phấn đấu sớm thoát ra khỏi diện huyện nghèo, vươn lên trở thành huyện phát triển khá của tỉnh vào năm 2025.

"Thời gian tới, huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 đột phá Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Mường Khương lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, để quyết tâm đưa Mường Khương thoát nghèo trong thời gian tới", đồng chí Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Khương nói.

Vùng đất Mường Khương đang từng ngày thay đổi.

Kể từ ngày tái lập, chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển huyện Mường Khương là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khẳng định bản lĩnh vững vàng trong gian khó. Những thành tựu ấy là tiền đề để cán bộ, đảng viên, quân và dân Mường Khương tiếp tục chung sức, chung lòng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra.

Thu Hường – Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết