Nâng cao nhận thức về phòng chống tác hại thuốc lá cho đồng bào vùng cao

14:15 06-12-2022 | :607

Laocaitv.vn - Không khó để có thể bắt gặp hình ảnh thanh niên hút thuốc lá, thuốc lào tại các thôn, bản vùng cao của tỉnh Lào Cai. Từ người già đến thanh niên, thậm chí là trẻ em cũng có thể hút thuốc lá. Để giảm thiểu tình trạng này, giải pháp đầu tiên là phải nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của thuốc lá.

Hiện nay, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà của phụ nữ là gần 70%, của trẻ em là 50% và tỷ lệ hút thuốc lá ở nông thôn cao hơn so với thành thị. Đặc biệt tỷ lệ thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số hút thuốc lá rất cao.

Tuy nhà có con nhỏ nhưng chồng chị Sùng Thị Sáo xã Cao Sơn, huyện Mường Khương vẫn thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào ở trong nhà. Sau khi được cán bộ trạm y tế xã tuyên truyền, chị đã hiểu được tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của con nhỏ. Chị Sao chia sẻ: “Do không biết tác hại của thuốc lá nên chồng và bố chồng vẫn hút thuốc trong nhà. Được cán bộ y tế tuyên truyền, mình sẽ khuyên chồng không hút thuốc lá trong nhà nữa để đảm bảo sức khỏe cho con”.

Mặc dù trong những năm gần đây, việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đã được đẩy mạnh, tuy nhiên, do đồng bào dân tộc chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa; nhận thức về tác hại của thuốc lá còn hạn chế và bị ảnh hưởng thói quen hút thuốc lá từ lâu đời... nên việc tuyên truyền còn gặp nhiều trở ngại, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Anh Giàng Dế, Cán bộ Trạm Y tế xã Cao Sơn, huyện Mường Khương cho biết: “Mặc dù cán bộ trạm y tế cũng đã tích cực tuyên truyền nhưng tại xã Cao Sơn tình trạng hút thuốc lá vẫn còn nhiều, đặc biệt là các em thiếu niên. Do điều kiện đi lại khó khăn nên việc đến tận nhà để tuyên truyền cho người dân chưa đạt hiệu quả cao”.

Nâng cao nhận thức về phòng chống tác hại thuốc lá cho đồng bào vùng cao.

Để làm chuyển biến mạnh mẽ hơn nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa về tác hại của thuốc lá, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đang được chính quyền, đoàn thể các địa phương, nhà trường và ngành Y tế tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn với nhiều hình thức truyền thông đa dạng, phong phú hơn. Chị Vàng Thị Tùng, cán bộ truyền thông, TTYT huyện Bắc Hà tâm sự: “Chúng tôi thường đi truyền thông cho người dân về tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, là một huyện vùng cao đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số nên nhận thức của người dân còn chưa được cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cuả người dân về tác hại của thuốc lá”.

Thay đổi một thói quen đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số không hề dễ. Cùng với việc nâng cao trách nhiệm của các tuyên truyền viên thì việc phát huy hơn nữa vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết nhằm nêu gương và tuyên truyền tới người dân một cách hiệu quả./.

Thu Huyền


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết