Nghề làm hương truyền thống ở Sán Chải

14:40 06-02-2024 | :244

Laocaitv.vn - Với phương thức làm thủ công, sử dụng 100% nguyên liệu từ tự nhiên, nghề làm hương truyền thống của đồng bào Mông ở xã vùng biên Sán Chải, huyện Si Ma Cai vẫn được bà con nơi đây gìn giữ. Trong những ngày giáp Tết cổ truyền của dân tộc, nghề làm hương truyền thống lại trở nên bận rộn hơn.

Ở thôn Seo Khai Hóa, bà Cư Thị Dung là người có kinh nghiệm làm hương lâu năm. Từ những nắm que tre, qua bàn tay khéo léo của bà, sau vài lần nhúng nước, lăn bột, những cây hương truyền thống to, tròn và đều đã hình thành. Với sự giúp đỡ của con cháu, mỗi ngày bà làm được từ 15 - 20 bó hương. Giữ gìn và tích cực truyền nghề, hiện 4 con gái và con dâu của bà Dung đều tham gia làm hương.

Bà Cư Thị Dung cho biết: "Ngày xưa tôi học nghề từ các cụ. Đến Tết thì người mua nhiều hơn nên tôi cũng làm nhiều hơn để mang đi bán tại các chợ phiên".

Phải qua nhiều công đoạn để làm ra những cây hương cháy tốt, mùi thơm nồng.

Để làm nên những cây hương có mùi thơm nồng, cháy tốt, nguyên liệu là lá cây hương, gỗ thơm bà con dự trữ từ trước, tất cả được cho vào cối giã thành bột. Nghề làm hương của người Mông có 5 công đoạn chính. Đầu tiên là róc cây tre thành que phơi khô trên gác bếp; sau đó, que tre sẽ được nhúng nước rồi lần lượt lăn qua bột gỗ thơm, bột hương; sau khi thành que hương sẽ được cho lên bếp củi sấy khô hoặc phơi ánh nắng khoảng 2 ngày. Với ưu điểm nguyên liệu tự nhiên, không phẩm màu và mùi thơm đặc trưng… hương truyền thống của bà con Seo Khai Hóa được nhiều người lựa chọn.

Chị Giàng Thị Chư, ở thôn Seo Khai Hóa, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai cho biết: "Một bó hương tôi bán 10.000 đồng, một phiên chợ ngày Tết cũng được khoảng 300.000 đồng. Mùa này không có việc gì làm nên làm hương kiếm thêm thu nhập".

Ông Lê Thanh Nghị, Chủ tịch UBND xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai cho biết thêm: "Qua việc làm hương, bà con Nhân dân cũng duy trì được làng nghề truyền thống; đồng thời, cũng truyền lại cho các thế hệ sau về cách thức làm hương truyền thống, để thế hệ con cháu sau này tự làm. Xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con trồng cấy các nguyên, vật liệu để làm hương".

Nghề làm hương truyền thống tạo thêm thu nhập cho bà con lúc nông nhàn.

Với sự phát triển của kinh tế thị trường, nghề làm hương truyền thống của người Mông nói riêng và một số dân tộc nói chung đang dần mai một. Vậy nên, tâm huyết của những người đang giữ nghề như bà Cư Thị Dung không chỉ góp phần bảo tồn nghề truyền thống, mà còn tạo thêm việc làm, thu nhập cho bà con lúc nông nhàn.

Thào Sếnh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết