Ngỡ ngàng trước mô hình "Trường học nông trại và sinh thái” của Trường THCS Khánh Yên Thượng

18:58 05-12-2018 | :11136

Laocaitv.vn - Việc xây dựng các mô hình trường học gắn với thực tiễn đã và đang được các trường học ở Lào Cai thực hiện có hiệu quả và gặt hái được nhiều thành công. Đó là kết quả của sự quyết tâm, đồng lòng của cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Tại huyện Văn Bàn, Trường THCS Khánh Yên Thượng đã lựa chọn xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn theo chủ đề “Trường học nông trại và sinh thái” từ năm học 2014 - 2015. Mô hình được đánh giá là đạt được nhiều hiệu quả tích cực khi đã và đang giúp các em học sinh trong trường được học tập, thực hành, nghiên cứu và trải nghiệm nhiều công việc ở các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, đem đến cho các em nhiều kỹ năng và bài học kinh nghiệm.

Nhà các em học sinh cách trường 15 cây số nên nhà trường đã xây dựng nhà bán trú cho các em và tạo điều kiện tốt nhất cho các em yên tâm học tập. (Ảnh: Thanh Tùng) 

Câu lạc bộ (CLB) nuôi tằm thương phẩm được thành lập từ đầu năm học này với tổng số 30 học sinh. Hiện tại, câu lạc bộ đang nuôi mẻ tằm thứ hai với trên 80kg tằm giống được mua từ Bắc Ninh. Nhờ sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo, các em học sinh đã áp dụng kiến thức các môn công nghệ, sinh học… vào hoạt động chăm nuôi tằm. Hàng ngày, sau giờ học, các em thay nhau đi hái lá sắn về làm thức ăn cho tằm, theo dõi sự phát triển của tằm để tích lũy kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp. Là một thành viên Câu lạc bộ  nuôi tằm thương phẩm, em Nguyễn Thị Thanh Hoa, học sinh lớp 8A, Trường THCS Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn chia sẻ: “Em rất vui vì được tham gia câu lạc bộ nuôi tằm của trường. Hàng ngày em được cùng các bạn đi lấy lá sắn cho tằm ăn, rồi theo dõi sự phát triển của tằm. Em nghĩ là điều này sẽ rất có ích cho chúng em sau này”.

Câu lạc bộ đang nuôi mẻ tằm thứ hai với trên 80kg tằm giống được mua từ Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Tùng)

Còn theo thầy Đỗ Văn Hùng, Giáo viên Trường THCS Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, người trực tiếp tham gia hỗ trợ các em học sinh trong việc chăm nuôi tằm cũng như duy trì câu lạc bộ cho biết: Để CLB hình thành và đi vào hoạt động như ngày hôm nay, thì ngay từ đầu năm học thầy đã phải lên kế hoạch cho việc lựa chọn mô hình câu lạc bộ và tìm hiểu, nghiên cứu cũng như đi học hỏi nhiều nơi để đi đến quyết định chọn nuôi tằm giúp các em học sinh được học tập, nghiên cứu và thực hành ngay tại trường. Trước khi CLB đi vào hoạt động thầy cũng đã trao đổi với hội phụ huynh và được phụ huynh học sinh ủng hộ nhiệt tình.

Ngoài khu vực nuôi tằm, nhà trường còn tận dụng khu nóc nhà để xây dựng chuồng nuôi nhốt chim bồ câu và chim cút với khoảng 400 đôi chim. Hàng ngày, học sinh các khối lớp thay phiên nhau lên dọn dẹp, chăm sóc và nghiên cứu việc sinh trưởng, phát triển của hai loài chim này. Toàn bộ quá trình từ khi chim ấp trứng, trứng nở thành con, rồi con non lớn và trưởng thành… đều được các em học sinh theo dõi, ghi chép cẩn thận. Đây chắc chắn sẽ là những kiến thức bổ ích cho các em trong cuộc sống sau này.

Bên cạnh đó, nhà trường còn có khu vực nuôi gia cầm và 2 ao nuôi cá có diện tích mặt nước khoảng 2000 m2, giúp các em học sinh được thực hành các kỹ năng liên quan đến lĩnh vực thủy sản ngay tại trường.

Đây là những sản phẩm từ chính đôi tay khéo léo của các thầy cô giáo và học sinh trong trường. (Ảnh: Thanh Tùng)

Không chỉ là lĩnh vực chăn nuôi, rất nhiều nội dung để xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn, với chủ đề "Trường học nông trại và sinh thái" mà Trường THCS Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn thực hiện từ năm học 2014 - 2015 đã đem đến những thành công nhất định. Thầy Nguyễn Văn Lưỡng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn cho biết: Nhà trường lựa chọn mô hình trường học nông trại và sinh thái vì thấy phù hợp với điều kiện của địa phương cũng như học sinh nhà trường. Hơn nữa, ngay sau khi triển khai thực hiện thì nhận được sự đồng tình ủng hộ của tất cả các em học sinh cũng như phụ huynh nhà trường nên Ban giám hiệu quyết định triển khai sâu rộng nhiều nội dung hơn và tiến hành thành lập các câu lạc bộ theo sở thích cho học sinh trong trường để các em được tham gia theo các lĩnh vực mà mình yêu thích, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của mô hình.

Nhờ đó, sau 4 năm thực hiện mô hình, Trường THCS Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn giờ đây đã khoác lên mình một diện mạo mới: Quy mô, khang trang và sạch đẹp khiến ai nấy đều ngỡ ngàng. Cả khoảng sân trường rộng chừng 2000 m2 là hàng dài các chậu cây cảnh được sắp xếp gọn gàng, hợp lý, xen kẽ là những bồn hoa được trồng theo mùa vô cùng bắt mắt…Điều đáng nói, đây đều là những sản phẩm từ chính đôi tay khéo léo của các thầy cô giáo và học sinh trong trường.

Thầy cô và các em học sinh nơi đây còn trở thành những người nông dân thực thụ. (Ảnh: Thanh Tùng)

Không những vậy, thầy cô và các em học sinh nơi đây còn trở thành những người nông dân thực thụ khi tạo nên một vườn rau xanh mướt ngay tại trường. Mỗi khối lớp được giao phụ trách một khu vực trồng rau trong vườn trường. Hàng ngày sau giờ học, các em được các thầy cô giáo hướng dẫn trồng và chăm sóc các loại rau theo mùa. Đây cũng chính là nguồn thực phẩm được sử dụng cho bữa ăn hàng ngày của 33 học sinh bán trú của trường. Nhờ đó, các em học sinh không những được cung cấp nguồn thực phẩm an toàn mà còn giúp các em được áp dụng lý thuyết các môn học vào thực tế cuộc sống, từ đó hoàn thiện các kỹ năng cần thiết cho bản thân. Em Vàng Thị Như, Học sinh lớp 7A, Trường THCS Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn chia sẻ: "Hàng ngày ở trường, em được cùng cô và các bạn ra vườn trồng rau, tưới rau, nhổ cỏ, rồi hái rau nấu cơm. Em thấy rất là thích. Chúng em còn tự bảo nhau cách chăm sóc rau như thế nào cho tốt nữa. Em thấy mình biết nhiều hơn khi được học ở ngôi trường này".

Trường THCS Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn hiện có trên 200 học sinh thuộc 8 lớp học, phần lớn là con em người dân tộc thiểu số. Nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà cách trường đến 15 km nên nhà trường đã xây dựng nhà bán trú cho các em ở xa nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các em yên tâm học tập. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên hàng năm nhà trường còn huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn để góp phần đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập và triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của mô hình trường học gắn với thực tiễn.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui không chỉ là khẩu hiệu mà đã hiện hữu trên gương mặt, trong tâm thức của các em học sinh Trường THCS Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn. Đến trường, các em không chỉ được lĩnh hội tri thức mà còn được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị của Trường học nông trại và sinh thái. Từ đó, giúp các em hoàn thiện bản thân, rèn luyện kỹ năng sống, tự tin để gặt hái những thành công trong tương lai.

 Hoàng Thương

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết