Người dân cần cẩn trọng với cúm A

14:25 10-08-2022 | :564

Laocaitv.vn - Thời điểm giao mùa này, nhiều người bị mắc cúm A. Cúm A có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan, vì cúm có thể gây ra các biến chứng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Số người mắc cúm A có chiều hướng gia tăng.

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đang điều trị nội trú cho trên 60 bệnh nhi. Trong đó, số trẻ mắc cúm A chiếm hơn 1 nửa. Ngoài các triệu chứng điển hình như sốt, sốt cao, ho, đau họng, chảy nước mũi thì một số bệnh nhi có biểu hiện liên quan đến viêm đường hô hấp dưới, phế quản và phổi, viêm tai giữa. Chị Phạm Thị Trang Nhung, tổ 14, phường Nam Cường, thành phố Lào Cai cho biết: "Mấy hôm trước cháu vẫn chơi bình thường, trưa nay sốt cao nằm li bì không ăn trưa. Qua ông nội bị rồi, sáng nay hai đứa em con nhà chú đi khám cũng bị cúm A, cũng với biểu hiện sốt cao, đau rát họng".

Bác sĩ Nguyễn Hà Trang, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai cho biết: "Bệnh nhân vào khoa sẽ thăm khám làm các test cúm A, cúm B. Thường là giai đoạn đầu của bệnh chỉ điều trị triệu chứng sốt, sổ mũi".

Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đang tiếp nhận và điều trị nội trú cho 13 bệnh nhân mắc cúm A tại Khoa Truyền nhiễm. Trong đó, một số bệnh nhân là người cao tuổi có sức đề kháng yếu, hồi phục chậm. Ngoài dùng thuốc điều trị triệu chứng ho, sốt, các bác sĩ cũng có các giải pháp hỗ trợ để hạn chế bệnh tiến triển nặng gây viêm phổi, suy hô hấp. Ông Nguyễn Văn Phú, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng cho biết: "Tiếp xúc với mẹ tôi chỉ có buổi trưa, đến đêm tôi thấy đau đầu, chóng mặt, sốt cao luôn. Sau mấy ngày điều trị sức khoẻ ổn định, bà mới cắt sốt, vẫn còn ho, tuổi cao bình phục không được nhanh".

Khi mắc cúm A người dân cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Cúm A cũng có chung một số triệu chứng như khi mắc Covid-19. Do vậy, khi có bất kỳ biểu hiện nào của cúm, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, làm xét nghiệm chẩn đoán. Cúm được phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ giảm tỷ lệ phải sử dụng kháng sinh và thuốc tháng virus. Hạn chế được cả các biến chứng nghiêm trọng và tránh lây lan phát sinh thành dịch trong cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thương, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cho biết: "Cúm kèm theo viêm phổi chúng tôi điều trị tích cực ngay từ đầu, theo sát bệnh nhân. Một số người tự test cúm A và tự điều trị bằng thuốc kháng virus là không nên vì phải theo chỉ định của bác sĩ không phải trường hợp nào cũng dùng thuốc kháng virus, người dân lạm dụng gây kháng thuốc rất nguy hiểm".

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 1.900 người mắc cúm A. Trong giai đoạn cúm bùng phát cùng bệnh sốt xuất huyết, dịch COVID-19. Để phòng tránh nguy cơ “dịch chồng dịch”, người dân cần đeo khẩu trang, vệ sinh họng, mũi mỗi ngày, tiêm nhắc vắc xin cúm mùa hằng năm và ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng./.

Vân Anh-Lâm Thi


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết