Nhân dân các dân tộc Lào Cai bảo tồn thuốc quý dưới tán rừng

20:26 10-05-2024 | :125

Laocaitv.vn - Lào Cai được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều loài dược liệu quý, có thể làm thuốc. Ý thức được "tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận", nên việc khai thác gắn với bảo tồn các loài dược liệu quý luôn được Nhân dân các dân tộc ở Lào Cai coi trọng. Qua đó, góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, tạo sinh kế bền vững và hiệu quả. 

Nắm trong tay nghề làm thuốc gia truyền đã nhiều năm, chị Lò Quỳnh Hoa, ở thôn Tả Ngảo, xã Bản Qua, huyện Bát Xát luôn trân trọng mỗi khi khai thác các loại thuốc quý trong tự nhiên. Lúc thu hái, chị luôn để lại gốc, không khai thác cây con, phát dọn cỏ để cây tiếp tục tái sinh, phát triển. Nhiều giống dược liệu quý còn được chị đem về trồng trong vườn nhà thành công. "Điển hình như những cây lá tắm, chúng tôi có thể trồng được ở vùng thấp như cây đìa búa và những cây thảo dược dành cho sỏi thận, bệnh gan như cây kim huyền thảo, cây dành dành", chị Hoa cho biết thêm.

Bà Lê Thị Kiều Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Qua, huyện Bát Xát cũng cho biết: "Luôn vận động bà con Nhân dân, đối với những nguồn dược liệu có thể trồng tại nhà hoặc mở rộng trồng ở địa phương thì sẽ nhân giống và chăm sóc để sử dụng lâu dài. Còn đối với nguồn dược liệu không thể trồng được, khi khai thác thì phải bảo tồn, chăm sóc để cây dược liệu đó phát triển và sử dụng được nhiều lần".

 Chị Lò Quỳnh Hoa luôn có ý thức bảo tồn khi khai thác các loài dược liệu trong tự nhiên.

Văn Bàn là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển các loài cây dược liệu. Đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đầu tư khai thác thành công nguồn tài nguyên quý giá này. Như Hợp tác xã Thế Tuấn ở xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn, mỗi năm có doanh thu trên 1 tỷ đồng từ việc chuyên chiết xuất các loại tinh dầu từ thảo dược.

Để bảo tồn và khai thác hiệu quả các loài cây dược liệu, anh An Văn Tuấn, đại diện Hợp tác xã Thế Tuấn cho biết: "Thứ nhất, là khai thác theo hướng bền vững. Thứ hai, là chúng tôi sẽ gây trồng thêm và đang nghiên cứu cách nhân giống cây đại bi để đưa cho bà con trồng, chăm sóc; thu mua lại những nguyên liệu để chiết xuất tinh dầu, sản xuất trà thảo mộc, cao thảo dược". 

Lào Cai phấn đấu đến năm 2030 diện tích dược liệu đạt trên 5.000 ha.

Văn Bàn đặt mục tiêu hình thành vùng sản xuất cây dược liệu phát triển ổn định và bền vững, gắn sản xuất với khai thác du lịch sinh thái. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ phát triển thêm 280 ha. 

Ông Lương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn thông tin thêm: "Kêu gọi thu hút đầu tư đến từ các doanh nghiệp để trồng và phát huy một số cây dược liệu trên địa bàn huyện, tập trung vào các địa bàn có thế mạnh về cây dược liệu như: Nậm Chày, Nậm Xây, Liêm Phú, Nậm Tha, Chiềng Ken".

Lào Cai phấn đấu đến năm 2030 diện tích dược liệu đạt trên 5.000 ha, sản lượng 28.000 tấn, giá trị trên 900 tỷ đồng. Việc gắn khai thác với bảo tồn và phát triển vùng trồng dược liệu phù hợp sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu này; đồng thời, tạo sinh kế bền vững cho Nhân dân và thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.  

Ngọc Minh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết