Nhận diện và ngăn chặn thủ đoạn lừa đảo lao động sang Campuchia trái phép

18:04 14-07-2022 | :774

Laocaitv.vn - Trong phóng sự trước, Đài PT - TH Lào Cai đã phản ánh thực trạng một số lao động ở xã Bản Xèo, huyện Bát Xát bị lừa đảo sang Campuchia làm việc. Để không xảy ra các vụ việc đáng tiếc như vậy, cấp ủy chính quyền, các ban ngành, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt và người dân cũng cần tỉnh táo, cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo này.

Chiêu thức của các đối tượng lừa đảo là sử dụng tài khoản ảo trên mạng xã hội để đăng thông tin tuyển dụng với những hứa hẹn hấp dẫn.

85 người là số công dân mà xã Quang Kim, huyện Bát Xát thống kê được hiện đang làm việc tại Campuchia. Đa phần là thanh niên, tự ý bỏ đi khỏi địa phương theo lời rủ rê, lôi kéo "việc nhẹ, lương cao" trên mạng. "Thực tế công dân đi làm thuê cũng không báo cho gia đình và tự ý đi sang Campuchia sau đó mới liên lạc về cho gia đình thì gia đình mới biết đi làm bên đó. Các trường hợp đi làm Campuchia không đi theo đường chính ngạch và không đăng kí nên rất khó khăn cho công tác quản lý của công an xã", trung tá Sùng A Dính, Trưởng Công an xã Quang Kim, huyện Bát Xát cho biết.

Chiêu thức chính của các đối tượng lừa đảo là sử dụng các tài khoản facebook, zalo ảo để đăng thông tin tuyển dụng với những hứa hẹn hấp dẫn. Việc tổ chức đưa người sang kia biên giới cũng rất tinh vi, "con mồi” sẽ được đưa đón chu đáo, hoàn toàn miễn phí. "Họ lo cho hết, em được đưa xuống Hà Nội, ở lại 2 ngày, bay từ sân bay Nội Bài vào Phú Quốc và gặp rất nhiều người cũng ở đó; rồi lại đi phà xuống Hà Tiên, đi xe xuống Long An, qua 1 cái sông, họ yêu cầu bỏ quần áo, điện thoại lại người đi trước quần áo các thứ sẽ sang sau. Em biết là bị bán rồi, họ bảo em đi làm em không đi, họ nhốt em lại không cho ăn uống rồi đánh đập", nạn nhân chia sẻ lại.

Theo Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh: trên địa bàn tỉnh không có bất kỳ đơn vị, doanh nghiệp nào đăng ký tuyển người lao động tại Lào Cai sang Campuchia làm việc. Nhưng qua nắm bắt, số lao động địa phương sang Campuchia lại tăng nhanh, khoảng vài trăm trường hợp. Không dễ để có thông tin và con số cụ thể những nạn nhân bị lừa đảo, bởi đa phần công dân sau khi thoát nạn trở về đã không khai báo với chính quyền và cơ quan chức năng. "Toàn tỉnh hiện nay có gần 200 lao động đã và đang làm việc bất hợp pháp tại Campuchia. 9 lao động đã được trở về vì có tiền chuộc. Chúng tôi cũng đã thực hiện tiếp cận số lao động trở về để nắm rõ các thông tin. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa ra những khuyến cáo người lao động khi có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài thì cần tìm đến các đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động đi xuất khẩu", bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai nói.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh mới đây đã có văn bản đề nghị các địa phương cần đặc biệt  đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực phát hiện, tố giác, báo tin về các vụ việc, đối tượng nghi vấn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin quảng bá, tìm kiếm, lôi kéo, môi giới đưa người xuất cảnh lao động trái phép. Về lâu dài, các địa phương cũng cần triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân, hạn chế trường hợp xuất cảnh lao động trái phép, gây ra những hậu quả đáng tiếc như thời gian vừa qua.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết