Nhiều nhà văn hóa ở Văn Bàn bỏ không

21:02 14-12-2023 | :194

Laocaitv.vn - Thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, bản không đủ điều kiện quy mô dân số thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lãnh đạo và điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy cơ sở. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, nhiều địa phương đang đối diện với tình trạng thừa nhà văn hóa thôn, bản. Các công trình không sử dụng đến, bỏ không nhiều năm, xuống cấp nghiệm trọng mà hầu như chưa có phương án xử lý.  

Cánh cửa nhà văn hóa đổ xiêu vẹo hoặc gãy, thậm chí là không có cửa cũng không được thay thế. Bên trong nhà văn hóa, rác thải, vật dụng bàn ghế hư hỏng. Nhiều thiết bị điện tử từng trang bị cho nhà văn hóa như tivi, loa để phục vụ sinh hoạt của bà con Nhân dân giờ đây hỏng hóc, không được sửa chữa vứt lăn lóc. Đó là những gì còn sót lại tại nhà văn hóa thôn Loong Xề, sau khi thôn này được sáp nhập với thôn Nà Khoen thành thôn Làng Nòn (xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn). Ông Trần Văn Man, ở thôn Làng Nòn cho biết: "Trước đây, nhà văn hóa vẫn hoạt động, nhưng sau này sáp nhập thì không sinh hoạt nữa. Bây giờ, nhà văn hóa để không, mục nát. Chúng tôi mong làm lại như xưa".

Cũng trong tình trạng bị bỏ không sau khi được sáp nhập, tuy nhiên, nhà văn hóa thôn Loong Chai mới được xây cách đây không lâu nên còn khá vững chắc. Thế nhưng giờ cũng chỉ tận dụng để làm kho chứa đồ nông sản của bà con. Ông Sầm Minh Lương, trưởng thôn Loong Khuốn, xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn cho biết thêm: "Nếu tính diện tích hai nhà văn hóa thì thoải mái dùng, nhưng khi sáp nhập vào dùng một nhà thì không đủ diện tích sử dụng".

Nhà văn hóa bỏ không đã xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí đầu tư xây dựng. 

Sau khi sáp nhập thôn, bản thì huyện Văn Bàn có 32 nhà văn hóa dôi dư. Các nhà văn hóa được xây dựng với nguồn kinh phí hàng chục triệu đồng từ ngân sách Nhà nước và đóng góp của Nhân dân. Tuy nhiên, hầu hết các nhà văn hóa này đều lãng phí, để không và đang xuống cấp. 

Ông Lương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết: "Đối với những nhà văn hóa dôi dư mà không có tiện ích sử dụng thì sẽ thực hiện các quy trình thủ tục để thanh lý theo quy định. Tranh thủ các nguồn kinh phí đó sẽ tiếp tục đầu tư trở lại cho những nhà văn hóa đang cần nâng cấp, sửa chữa".

Nhà văn hóa dôi dư sau khi sáp nhập thôn, bản được một số bà con mượn làm kho chứa nông sản.

Nhà văn hóa thôn, bản là nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp của bà con Nhân dân. Tình trạng các nhà văn hóa bỏ không nhiều năm gây lãng phí đầu tư xây dựng. Trong khi đó, nhà văn hóa thôn, bản được sử dụng sau khi sáp nhập lại không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu của người dân và cũng không đảm bảo được tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Việt Hùng - Thành Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết